Hãy Yêu Chính Mình Như Một Đứa Trẻ!

Các bạn biết điều này không? Càng lớn thì chúng ta càng ít yêu bản thân mình hơn. Ừ thì, đọc đến đây chắc hẳn bạn sẽ phản đối hoặc nghi ngờ câu nói của tôi! Nhưng, tôi sẽ kể cho bạn nghe một vài mẩu chuyện nhỏ để khẳng định rằng tôi không sai đâu nhé!

Lần đầu tiên, tôi đã biết không hài lòng về mình là khi…

Tôi chả nhớ từ lúc nào mình đã bắt đầu không hài lòng về chính mình nữa! Có lẽ lần đầu tiên tôi không hài lòng với chính mình là khi bắt đầu đi học, à đúng hơn là đi học lớp mầm. Theo trí nhớ non nớt của mình thì lúc đó tôi đã thích mái tóc dài của cô bạn hàng xóm ngồi kế bên hơn của mình. Bạn biết đấy, khi chúng ta bắt đầu biết so sánh người khác với bản thân và thấy bản thân mình thua kém hơn thì chúng ta đã dần bớt hài lòng về chính mình rồi.

 

Theo guồng quay của cuộc sống, càng lớn lên thì thế giới của tôi cũng “lớn lên” theo. Càng tiếp xúc với nhiều người, nhiều kiến thức mới thì tôi càng không hài lòng về mình. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.  Nhưng ngoài những điều mà tôi học được, tôi càng tự ti và thấy mình nhỏ bé.

Vào năm lớp 4, lần đầu tiên, tôi ghét chính mình, bạn biết sao không? Tôi bị thầy phạt, răn đe ngay giữa lớp chỉ vì bỏ quên vở bài tập. Hơn nữa tôi là lớp trưởng cần phải làm gương cho các bạn noi theo. Đối với một đứa mang cái mác “con ngoan trò giỏi” trong mắt thầy cô, tôi tự xem đó là một lỗi lầm mà bản thân không thể nào thứ tha. Tôi đã thật sự ghét bản thân vì sự cẩu thả và tật hay quên của mình!

Ừ, vô lý nhỉ? Ai mà chẳng hay quên, nhưng vô hình trung lúc đó tôi đã cực kỳ tự trách mình. Tự tôi đặt ra cho mình một tiêu chuẩn là tôi phải ngoan hiền, chăm chỉ, gương mẫu và không bao giờ được phép quên vở bài tập. Nhưng có ai quy định như vậy đâu, vậy mà tất cả mọi người cũng đều mặc định và có chung suy nghĩ đó! Bạn thấy đấy, là tự chúng ta đưa mình vào những tiêu chuẩn mà đám đông đi theo, dù chúng ta có muốn hay không! Ai quy định trò ngoan không được phép quên vở bài tập? Còn trò lười thì quên vở là việc bình thường?

 

Chẳng ai cả!

 

À, quay lại câu chuyện của tôi, sau lần chịu phạt ở trường thì tôi càng thêm không hài lòng về mình, chỉ vì sự cẩu thả của bản thân và cuốn mình theo những định kiến mà những đứa gắn danh trò giỏi phải gánh trên đôi vai nhỏ bé của mình!

... Và tôi biết tự ghét bỏ chính mình là khi…

Đến bây giờ, khi tôi đã ra trường và đi làm thì số lần mà tôi “ghét bỏ” chính mình càng tăng lên và không đếm xuể nữa. Bạn biết đấy, chúng ta sẽ dần bị cuộc sống này đẩy vào một khuôn khổ nhất định. Chúng ta cũng không biết hoặc không nhận ra rằng mình đã và đang đi theo những tiêu chuẩn vô hình đó. Ví dụ như bản thân tôi, khi càng lớn lên tôi càng thấy mình xấu xí. Nhưng làm sao tôi biết bản thân mình không xinh đẹp?

Và lý do này tôi nghĩ có không ít người cũng giống mình. Tôi tự cho rằng mình thật sự không có vẻ bề ngoài ưa nhìn là từ sự đánh giá và so sánh của những người xung quanh. Từ khi còn bé, mỗi lần tôi gặp những người họ hàng, thì họ nói với mẹ tôi rằng cô con gái của mẹ không được xinh xắn như những đứa trẻ khác. Và sau đó thì tôi đã tự mặc định rằng mình thật sự “xấu”. Hay những lần tôi tự soi gương và khóc òa vì lời chọc ghẹo từ đám bạn rằng tôi có một chiếc mũi thấp tẹt kì cục.

 

Chả có ai nói với tôi rằng, chiếc mũi thấp của tôi cũng rất dễ thương. Khi mà tiêu chuẩn của cái đẹp phải là chiếc mũi dọc dừa cao ngạo. Cũng không có ai nói rằng làn da bánh mật của tôi thật đặc biệt. Từ khi nào mà mũi tẹt là xấu, da đen là xấu, tóc xù là xấu, chân to là xấu?

Hình như chúng ta đang ở trong chiếc “ống tre”…

Chúng ta dần lớn lên và hoàn thiện trong “chiếc ống tre” mà cuộc sống này tạo ra. À, chiếc ống tre là một ví dụ mà tôi nghe từ thầy dạy Sinh học của mình, khi học về đề tài sự thích nghi của các loài vật với môi trường sống. Khi một chú gà con được nuôi lớn trong chiếc ống tre, nó cũng sẽ có hình dạng dài như y hệt như vậy. Nghe lạ lùng nhưng đó là sự thật về cách người ta nuôi gà ống tre. Chiếc ống tre đã trở thành “nhà tù” o ép tất cả những chú gà tội nghiệp như việc chúng ta sống với những định kiến trong xã hội này!

Chúng ta không vô tri nhưng những tiêu chuẩn vô hình trong cuộc sống này cũng tạo thành một nhà tù, một cái khuôn mà chúng ta dù muốn hay không thì vẫn sẽ bị nhốt vào. Những tiêu chuẩn thật sự không xấu, nó giúp chúng ta có một xã hội trật tự, nề nếp nhưng nó sẽ làm chúng ta dần mất đi bản ngã của chính mình. Nghe hơi nghiêm trọng nhưng bạn có thấy rằng càng trưởng thành chúng ta càng tuân thủ và đi theo những tiêu chuẩn trong xã hội hay không?

Chúng ta tự mình so sánh, phán xét về bản thân, về những người xung quanh từ những tiêu chuẩn ngoại hình, cách sống, sự giàu có, gia đình,…

Từ khi nào mà tiêu chuẩn cái đẹp ở người phụ nữ ở Việt Nam là mắt to, mặt V-line, ba vòng đầy đặn, chân dài, da trắng,… mà không phải là “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang/ Hoa cười, ngọc thốt đoan trang” như những nàng thơ ngày xưa?

 

Từ khi nào những chàng trai phải có ngoại hình cao to, sáu múi, mũi cao thì mới được xem là "soái ca"?

Người trẻ gọi chung những cái tiêu chuẩn đó là “trend” – xu hướng thời thượng. Và như một dòng nước xoáy, những “trend” này cuốn tất cả chúng ta lao vào một cách vô thức.

Sẽ có người phản đối, rằng họ không sợ những tiêu chuẩn đó, họ tự tin với sự khác biệt của chính mình. Nhưng dù họ có phá cách đến đâu thì vẫn có một khuôn khổ vô hình nào đó, họ vẫn phải kiềm mình lại.

Sẽ chẳng có ai tự tin vỗ ngực khi bản thân họ khác xa với những tiêu chuẩn chung. Làm sao bạn tự tin nổi khi bản thân mình thấp lùn, mình xấu xí?

Tôi đã tự ti tới mức ghét luôn bản thân mình, ghét lây những người mà mình yêu thương. Tôi đã trách những người sinh ra mình, tại sao lại cho tôi một chiếc mũi thấp tẹt, một làn da đen nhẻm và một chiếc trán như “sân bay”, không giống như những tiêu chuẩn của cái đẹp lúc bấy giờ.

 

Vì sao chúng ta không hài lòng với chính mình?

Sẽ có người thắc mắc lí do vì sao chúng ta phải tự ép mình vào những khuôn khổ như thế, lý do rất đơn giản, chúng ta SỢ.

Chúng ta SỢ bị dè bỉu, so sánh nếu chúng ta không giống những người khác.

Chúng ta SỢ những lời đánh giá từ những người xung quanh nếu đi ngược đám đông.

Quan trọng nhất là chúng ta SỢ bị loại bỏ khỏi xã hội, SỢ bị cô độc, SỢ sự xa lánh.

Rất nhiều người bị bạn bè tẩy chay chỉ vì: "Nó có chỉ một con mắt!", "Trời, sao mũi mày to quá vậy, như cái cà chua luôn!", "Mặt mày nhìn như con khỉ ấy!", "Sao mày mập quá vậy, mày ăn nhiều lắm phải không?", "Con gái gì mà mập như con heo", "Con trai gì mà như bê đê!",... và vô vàn những câu chuyện đáng buồn giống như vậy nữa. Vô lý và tổn thương đúng không? Nhưng, đó là sự thật! Khi chúng ta không giống như những người khác về ngoại hình hay xu hướng tính dục,... thì chúng ta sẽ bị xem như là "quái thai", là "cặn bã" của xã hội! Sẽ bị vứt bỏ và chịu sự kì thị từ xung quanh, dù chúng ta chẳng làm gì sai!

Tôi đã sợ hãi, đã cô đơn và cảm giác như bị bỏ rơi khi bạn bè xua đuổi ra khỏi những cuộc chơi! Có lẽ là trái tim nhỏ bé, ngây ngô của tôi lúc đó đã có những vết thương ứa máu. Và sự tự ti đã bắt đầu nhen nhóm trong tôi tự lúc nào không hay.

 

Ta đã quên mất lần cuối cùng mình hài lòng bản thân là khi nào…

Nếu có ai hỏi: “Nếu bạn được thay đổi một bộ phận trên cơ thể mình, bạn sẽ thay đổi điều gì?” Với tôi, có lẽ câu trả lời sẽ là rất nhiều bộ phận trên cơ thể mình. Tôi đã từng rất không hài lòng rất nhiều điểm về mình. Nhưng đó là câu trả lời cách đây một ngày, trước khi tôi kể câu chuyện này. Bạn thấy điều này thật vô lý, hoặc cũng có thể bạn tò mò tại sao tôi lại có thể thay đổi được chỉ trong một ngày? Ai trong chúng ta cũng sẽ thay đổi, nhưng chúng ta cần một lý do để làm điều đó.

 

Và tôi sẽ chia sẻ với bạn lý do mà tôi đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ của mình chỉ sau một ngày, thật ra khoảng thời gian chính xác chỉ là sau khi tôi xem được một đoạn clip ngắn. Có lẽ phần nào đó tôi chưa thay đổi ngay lập tức, nhưng ít nhất là trong suy nghĩ tôi đã hài lòng với mình hơn, đã bớt phần nào tự ti hơn.

Tôi lại dài dòng rồi. Nội dung mà đoạn clip mà tôi xem là một cuộc phỏng vấn thú vị của Jubilee trên Youtube. Clip dài hơn 4 phút, tập trung vào chỉ một câu hỏi và có 50 người được phỏng vấn để trả lời. Câu hỏi trong clip tôi đã đề cập ở trên: “Nếu bạn được thay đổi một bộ phận trên cơ thể mình, bạn sẽ thay đổi điều gì?”. Và tôi đã rất bất ngờ với những câu trả lời.

Những người trẻ tuổi đều có câu trả lời là những bộ phận mà họ không hài lòng sau khi suy nghĩ hoặc phân vân. Cũng rất nhiều người muốn thay đổi nhiều hơn một bộ phận trên cơ thể mình. Một cô gái Trung Quốc thì thích có một đôi mắt to hơn. Cô gái da màu thì rất không thích chiếc trán quá to của mình. Một chàng trai trẻ lại không thích đôi tai to như “Dumbo” của mình vì hay bị trêu chọc. Hay một bà mẹ bỉm sữa không thích những vết rạn trên bụng sau sinh của mình. Và còn nhiều câu trả lời giống như vậy nữa.

Nhưng tôi đã thật sự rất bất ngờ với những câu trả lời của những đứa trẻ và của một cụ bà. Bé gái đầu tiên đã ước mình có thêm một chiếc đuôi của nàng tiên cá. Cậu bé da màu thì thích mình có hàm răng khỏe như cá mập, để cậu có thể ăn thỏa thích. Hay một cô bé thích mình có đôi tai nhọn như các tiểu yêu trong phim, một cô bé khác thì thích sở hữu một đôi cánh xinh đẹp. Tất cả những câu trả lời này đầy sự hồn nhiên đúng với độ tuổi của các em. Nhưng bất ngờ nhất là các bạn nhỏ đều không muốn thay đổi điều gì trên cơ thể mình cả. Một cô bé với khuôn mặt đầy nốt tàn nhang đã tự tin trả lời rằng: “I love my body actually” (Em thật sự rất yêu bản thân mình), đã khiến tôi thật sự rất ngỡ ngàng. Tôi nhận ra rằng đã rất lâu rồi, tôi không tự tin trả lời rằng tôi rất yêu cơ thể của mình nữa.

Và câu trả lời khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất là của cụ bà. “Nhiều người bị ám ảnh về tuổi già và nếp nhăn. Nhưng tôi rất yêu mái tóc bạc của mình từ khi nó bắt đầu chuyển sang màu trắng. Đó là một trong những điều khiến tôi yêu bản thân mình. Bởi vì tôi đã chọn sống theo cách này. Tôi sẽ không còn là tôi, nếu tôi thay đổi bất cứ điều gì trên cơ thể mình.” Có hai điều tôi đã ngẫm ra sau câu nói của cụ. Thứ nhất, có lẽ khi chúng ta trải qua nhiều sóng gió, chúng ta sẽ biết trân quý mình hơn hoặc biết chấp nhận bản thân mình hơn. Thứ hai, cách chúng ta lựa chọn mình sống như thế nào, mới quyết định chúng ta sống có hạnh phúc hay không. Có lẽ, sự an yên và thoải mái từ tận tâm hồn còn trân quý hơn những vỏ bọc hoàn hảo bên ngoài hay cuộc sống đầy đủ điều kiện.

Hãy cứ sống như những đứa bé, đừng đợi khi chúng ta đã bạc đầu, sắp xa lìa thế giới thì mới biết trân trọng bản thân!

Chúng ta hãy yêu bản thân mình như chúng ta đã từng!

Khi còn bé, kể cả bạn lẫn tôi đều đã từng không quan tâm và cũng không đếm xuể gì với những chuẩn mực, thước đo trong cuộc sống này. Trong mắt những đứa trẻ thì mọi thứ xung quanh chỉ là hạt cát! Chúng ta đã từng vô tư đến với thế giới này, dù có những thứ nằm ngoài sự lựa chọn của chính mình như gia đình, bố mẹ, tuổi tác, ngoại hình,… thì chúng ta cũng chưa từng quan tâm. Chắc hẳn không ai trong chúng ta khi còn bé lại chê chân mình quá ngắn, mắt quá bé, da quá đen hay gì cả!

Nhưng rồi chúng ta lớn lên trong sự phán xét và so sánh, vì vậy chúng ta dần nép mình, bỏ qua bản ngã mà cố gắng đi theo những cái tiêu chuẩn mà những người từng dè bỉu, chê bai chúng ta từng nói. Có lẽ, không ai trong chúng ta sẽ thay đổi được những cái khuôn khổ trong xã hội mà mình đang sống! Việc chúng ta có thể làm hoặc là buông xuôi, thả trôi bản thân vào trong chiếc lồng chuẩn mực vô hình đó, hoặc là chúng ta cứ sống là mình, yêu lấy mình, không vì bất cứ tiêu chuẩn nào mà phải gượng ép bản thân!

Tôi không cổ xúy cho những hành động làm sai, làm theo ý của mình, chỉ là tôi không thích những định kiến, những tiêu chuẩn cứng nhắc trong xã hội này! Việc chúng ta làm sai thì phải chịu phạt. Bởi vì bạn hay tôi thì chúng ta đều sống trong xã hội pháp trị và chúng ta cần một xã hội trật tự để tất cả đều được an toàn. Cũng không phải là chúng ta muốn gì làm đó, mặc kệ đúng sai!

 

Tôi cũng không phải là đang ngụy biện hay tán thành cho những việc chúng ta làm sai, mà tôi chỉ ra cái quy chuẩn “chết tiệt” mà chúng ta không ai nhìn thấy, nhưng khiến chúng ta phải tuân theo một cách không mấy vui vẻ. Những cái quy chuẩn này không phải là vạch qua đường hay đèn xanh đèn đỏ, mà nó là vô hình và trừu tượng nhưng lại ẩn chứa một sức mạnh khổng lồ.

Nhưng có một sự thật là càng lớn chúng ta càng dễ tặc lưỡi cho qua những lỗi sai của mình, và lại mặc định đó là những lầm lỗi không đáng nói. So với trước kia, tôi cũng dần dễ dãi với những lỗi sai của mình hơn. Và hình như không phải mình tôi như vậy. Chúng ta không hài lòng về những điều mình làm nhưng cũng cực kì dễ dãi với bản thân.

Chúng ta không thể thay đổi thế giới, nhưng chúng ta có thể thay đổi chính mình!

Thế giới này vẫn luôn vận hành theo cách thức của riêng mình hàng trăm triệu năm qua. Trong khi, cuộc đời mỗi chúng ta lại chưa đến một thế kỷ, hết sức ngắn ngủi. Thì việc gì chúng ta cứ phải ám ảnh và hành hạ chính mình theo những chuẩn mực vô hình! Chúng ta có quyền hạnh phúc và có quyền chọn cách sống khiến mình hạnh phúc! Chúng ta đến với thế giới này không để làm hài lòng ai cả, người chúng ta cần phải làm hài lòng nhất chính là bản thân! Nhưng, việc bạn làm những điều khiến mình hạnh phúc không đồng nghĩa với việc bạn phạm pháp hay làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của bất kỳ cá nhân nào khác trên hành tinh này!

Vậy nên, điều mà tôi sẽ làm và bạn cũng nên làm là nhìn nhận lại bản thân, rằng mình đã thực sự yêu chính mình hay chưa và mình đã biết cách làm mình hạnh phúc hay chưa?

Tôi bắt đầu lựa chọn yêu chính mình như tôi đã từng, bạn thì sao?

 

Tác giả: Nguyễn Thị Hoài Ni, Content Writer SEOREAL