Khi Nào Chúng Ta Mới Thật Sự Trưởng Thành?
Đã bao giờ bạn định làm điều gì đó trẻ con nhưng lại ngưng ngay vì sợ bị bạn bè trêu ghẹo, hỏi mấy tuổi rồi chưa?
Trưởng thành có thời hạn không?
1. Những người trẻ sợ hãi trưởng thành
Trưởng thành không đi với tuổi tác. Có những người lớn tuổi nhưng vẫn còn bồng bột, trẻ con, có những đứa nhỏ chưa học hết cấp ba đã hiểu chuyện và tinh tế trong từng câu chữ hằng ngày. Trưởng thành là thứ đi với suy nghĩ và hành động, là thứ mà chúng ta không thể làm giả được bởi chúng hiện hữu ở cả bên trong và bên ngoài con người. Chính vì vậy, đa số người trẻ khi đến tuổi nên trưởng thành rồi mà vẫn lông bông mới hoảng hốt nhận ra mình đã lạc đường và sợ hãi việc lớn lên biết bao.
Làm sao để không còn sợ trưởng thành? Ta có thể trả cái giá là sự ngây thơ và mua nó ngay lập tức không? Bởi ta không muốn tổn thương và buồn bã nữa, ta muốn trở nên lý trí hơn, mạnh mẽ hơn, chín chắn hơn. Đáng tiếc rằng không có cửa tiệm nào bán sự trưởng thành, chúng ta không thể ép mình trưởng thành một cách đột ngột khi không đủ kinh nghiệm về mọi thứ. Phải trải qua mới biết, mà muốn trải qua, thì bạn cần thời gian để được tiếp xúc với điều đó. Cái “thế này”, “thế nọ” mà người ta áp đặt vào mười tám tuổi đó, bạn có thể năm mười chín tuổi, hai mươi tuổi mới như vậy cũng không sao. Thời gian mới là thứ làm nên sự trưởng thành. Bạn không thể hiểu một bài tập phức tạp khi bạn chỉ mới đọc qua nó, bạn phải có người giảng, hoặc bắt tay vào làm. Để trưởng thành, tôi biết mình phải dùng cả đời để đi qua.
2. Lớn lên rồi, niềm vui để ở đâu?
Trên đường leo tường, tôi vác túi “niềm vui” của mình theo. Tôi có thể làm rơi vài chiếc, tuy nhiên, không sao đâu nếu bạn cẩn thận giữ chặt nó. Có khi vì túi “niềm vui” quá ảnh hưởng tới việc leo tường của tôi, tôi phải ném bớt vài cái xuống. Hoặc không nếu tôi không thích. Đó là lựa chọn, không phải cứ thành người lớn thì phải quăng cả túi “niềm vui” của mình.
Một người bạn mấy hôm trước có nói với tôi rằng, lớn lên thật mệt, lúc nào cũng phải chi li tính toán, tuổi trẻ thì tha hồ nhiệt huyết, tha hồ hết mình, tha hồ dấn thân mà không gánh nặng gia đình tiền bạc gì. Tuổi già không phải không làm nổi, nhưng chẳng phải ai cũng thừa thời gian cho niềm vui của mình, hoặc chúng đã tắt từ thuở nào rồi.
Mẹ tôi đến giờ đã năm mươi, mà thi thoảng vẫn nói chuyện với mèo, vẫn dùng giọng mè nheo khen mấy con gấu bán bên đường dễ thương, vẫn xem một vài bộ phim hoạt hình, vẫn mua đồ nội thất dễ thương để đầy nhà. Mẹ tôi vẫn hay nói, tuổi thì tuổi, việc thích một điều gì không liên quan tới tuổi tác, miễn tâm hồn còn trẻ thì tuổi cũng tự dưng trẻ lại. Miễn là mình vui thôi. Bạn có thể bận rộn leo thang, nhưng túi “niềm vui” vẫn ở sau lưng bạn mà, bạn có thể dừng lại chơi với nó bất cứ khi nào bạn muốn.
Tôi biết bạn không muốn, đúng ra là không người lớn nào muốn. Hầu hết mọi người lớn trưởng thành là họ bị ép buộc phải như thế. Chúng ta vẫn phải bước tiếp, vì không còn cách nào cả.
3. Khi nào chúng ta mới thật sự trưởng thành?
Dù có chuyện gì xảy ra với bạn, Trái Đất vẫn quay, mọi người vẫn sống cuộc đời của họ, có thể tệ hơn, có thể tốt hơn, nhưng nó hầu như chẳng ảnh hưởng quá lớn lao đến vũ trụ này, nó chỉ tác động vũ trụ bên trong bạn hoặc những người yêu quý bạn mà thôi. Trưởng thành là chuyện như thế.
Năm tôi lớp 2, mấy đứa cùng lứa tôi phát cuồng vì “Sakura - Thủ lĩnh thẻ bài”. Là một đứa suốt ngày xem sitcom trên Disney Channel và dí mặt vào sách báo, tôi chẳng hiểu bọn nó nói gì. Đến tận năm lớp 3, tôi mới đọc manga khác ngoài Conan và Doreamon, và tình cờ cửa hàng thuê truyện gần nhà lại có trọn bộ Sakura. Thật ra tôi chẳng nhớ gì mấy, cho đến cảnh Sakura tự nhủ với bản thân một câu thần chú, “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.”.
Từ đó tôi hay tự nhủ với bản thân mình, “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.”. Lần nào cũng thế, chuyện gì cũng thế, suốt mấy năm ròng cho đến khi tôi nhận ra chẳng có chuyện gì ổn hết, chính tôi mới ổn lên. Còn có một thời gian tôi cảm thấy “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.” thật nực cười, đó chỉ là cách con người ta tự an ủi bản thân cho qua bớt đi cảm xúc quá tải hiện tại. Chẳng có gì chắc chắn rằng chuyện sẽ đâu vào đấy cả, điều duy nhất chắc chắn là bạn sẽ khác đi. Dù ít, dù nhiều, nhưng từng chút một, những chuyện đã qua ngoắc tay với thời gian giết chết bạn, bóp nghẹn cổ bạn, dẫm nát tim bạn, phá hoại sự chân thành của bạn. Mary Sue – cái tên người ta vẫn thường dùng để chỉ một nhân vật hoàn hảo, không khiếm khuyết trong truyện - cô ta liệu có thể tốt đẹp và ngây thơ cả đời không, nhất là khi câu chuyện chỉ có một Mary Sue duy nhất tồn tại?
Thật ra, tôi thấy chẳng có cái gì ổn hơn cả, hoặc là chuyện không tệ bằng, hoặc là chuyện tệ hơn làm bạn cảm thấy cái cũ không đáng sợ lắm thôi. Thế giới khi bạn là người lớn khó khăn hơn rất nhiều, rất rất nhiều, cho nên hãy chuẩn bị tinh thần cho một trận sóng thần ập tới bất kì lúc nào. Không phải theo kiểu luôn nơm nớp sợ hạnh phúc đột ngột mất đi, ai chẳng sợ hạnh phúc đột ngột mất đi, mà là hãy chuẩn bị cho nó.
Những lời khuyên hãy sống đơn giản, hãy bớt nghĩ nhiều, hãy như thế này, hãy như thế kia, nghe nhàm cả tai. Sống đơn giản không có nghĩa là cuộc đời đơn giản, dĩ nhiên sống đơn giản thì tốt, nhưng chỉ ở một mức độ nào đó thôi. Bạn không phải Mary Sue – nhân vật hoàn hảo từ lòng từ bi đại chúng đến bao dung tha thứ cho tội lỗi trần thế - bạn là bạn, là một người bình thường, ở đây không nói bạn như thế nào, nhưng người xung quanh có thể là bất kì loại người gì. Mary Sue dù có từng tồn tại chắc cũng không thọ lắm đâu. Bạn không cần phải là một con cáo ma ranh, nhưng cũng đừng là một con cừu với bộ lông trắng thuần khiết bạ đâu tin đấy, và ngày ngày đọc selfhelp để lấy niềm tin và hy vọng.
Tôi lúc bé đã nghĩ làm người lớn chính là trở thành những người đáng sợ. Những người chạy theo thành tích, tiền bạc, những người muốn nở mày nở mặt khoe về con cái, những người tính toán và làm mọi thứ vì thành công, những người phản bội nhau vì lợi ích cá nhân. Tôi không hiểu được tại sao lớn lên lại đáng sợ thế, nhất là khi người lớn biết nhiều hơn trẻ con. Tôi lẩm nhẩm học thuộc kiến thức ngắn hạn trong sách giáo khoa “Đạo đức”, về lòng dũng cảm, về trung thực, về chia sẻ, về yêu thương, tôi ngồi nghe luật an toàn giao thông trong buổi sinh hoạt trường, và tôi nhìn những người lớn phản lại chúng. Tôi buồn cười, không biết mình đang buồn cười người lớn hay chính mình rồi sẽ trở thành một người lớn.
Thật ra lớn lên cũng hay, tôi biết nhiều hơn, chín chắn hơn, không còn để cảm xúc che mờ mắt. Không tệ lắm. Mấy tuần rồi tôi có đi siêu thị chơi, một nhân viên chạy vội va vào vai tôi. Tôi không nói gì, chỉ quay đầu nhìn, nhưng tôi nghĩ không lịch sự với khách thì đừng có mơ khách quay lại. Rồi tôi lại nghĩ, nếu tôi trở thành một nhân viên ở đây, liệu tôi có đàng hoàng và nghiêm túc 24/7 được không nhỉ? Liệu tôi có đi đứng từ tốn và nở nụ cười với từng người một không, ngay cả khi tôi có việc phải làm lập tức hoặc tôi vừa tan nát ngày hôm qua? Nhỡ như người nhân viên ấy có chuyện gấp thì sao? Ai lại muốn cố tình làm khách hàng tức giận?
Tôi vẫn quay lại siêu thị đó.
Làm trẻ con hạnh phúc hơi nhiều đấy, nhất là hầu như chẳng cần lo gì cả, nhưng tôi hạnh phúc hơn khi học được cách hiểu chuyện. Vừa đủ thôi, chỉ ở đạo đức tối thiểu, không phải đạo đức tối đa. Vừa đủ để tôi không nhìn thế giới này bằng đôi mắt căm thù. Tôi không phải người tốt, tôi chỉ là người đàng hoàng ở mức độ nhất định, tôi không đủ bao dung hay gì tương tự để làm thánh nhân. Một người bình thường luôn cố lớn lên một cách bình thường. Tôi đã viết đi viết lại dăm ba lần, thế giới không có màu xám xịt hay màu hồng. Nó không có màu gì cả.
Cảm xúc của người lớn không ít hơn trẻ con, chỉ là không ngây ngô nữa, biết phân tích chuyện gì đúng chuyện gì sai, và xử lý khéo hơn lũ nít ranh một tẹo. Có câu bên trong mỗi người lớn là một đứa trẻ luôn muốn được vui vẻ và hạnh phúc. Năm tôi mười ba tuổi, tôi tưởng như mình vẫn còn tám tuổi, và năm tôi mười tám tuổi, tôi cảm tưởng mình đã dừng lại ở mười ba. Tôi không thấy bản thân mình thay đổi nhiều, từ bé tới lớn, dù có những chuyện đã bẻ tính cách của tôi theo một hướng hoàn toàn khác ban đầu. Có lẽ sự thay đổi quá chậm nên tôi không nhận ra, cũng có lẽ tôi không thay đổi gì cả, chỉ có tôi hiểu nhiều chuyện hơn, nhưng bản chất vẫn thế. Vẫn như một đứa trẻ ngơ ngác tò mò về mọi sự trên thế giới này.
Cũng lâu rồi tôi có nghĩ, chúng ta sẽ không bao giờ trưởng thành hoàn toàn, bởi vì trưởng thành là một quá trình vô hạn liên tục chả thể xong nổi, dù răng có rụng hết, mắt có kèm nhèm và những vết đồi mồi có phủ khắp da mặt, thì ta vẫn còn rất nhiều điều phải học, phải hiểu, phải trải qua.
Bạn chỉ có một cuộc đời duy nhất, chỉ có một tuổi trẻ duy nhất. Hãy bước lên chiếc thang và nhìn về phía trước, chiếc thang mà không có đích đến, chỉ có đường đi. Chiếc thang của riêng bạn, thước đo của riêng bạn, cuộc đời của riêng bạn, chúng đều không giống với bất kì ai.
Để trưởng thành thật sự, chúng ta cần phải dùng cả đời để đi qua.
Tác Giả: Bùi Đình Đoan Thục, Content Writer at SEOREAL