Khi yêu thương không còn nguyên vẹn
Tình cảm một khi đã rạn vỡ không cách nào hàn gắn được, chi bằng cứ buông tay chứ đừng tự hành hạ bản thân mình và đối phương cùng đau khổ.
Bố mẹ lấy nhau tính đến nay tròn hai mươi lăm năm. Non một năm sau ngày cưới, tôi ra đời với tất cả sự háo hức và niềm hạnh phúc trong vòng tay họ. Hai mươi năm chung sống, bố mẹ thấu hiểu, san sẻ cho nhau mọi thứ từ chuyện gia đình, công việc cả trong cách dạy dỗ tôi sao cho hợp lí nhất. Vẫn là những ánh nhìn đong đầy thương yêu mỗi sáng, mẹ thắt cà vạt cho bố trước khi đi làm, bố nhắc mẹ ở nhà nhớ ghi chú mọi việc vào giấy để đừng quên. Lấy nhau hai mươi năm, cái cách họ đối xử với người kia như đôi vợ chồng son mới cưới. Tôi cho mình quyền ngắm nhìn họ “tình” như thế.
Năm năm sau đó, những bất đồng, đổ vỡ, những cuộc cãi vã vô cớ không biết từ đâu được gây dựng. Gia đình chúng tôi không còn là khái niệm “gia đình” như lúc đầu nữa. Bố đến cơ quan với cà vạt thắt lệch cổ áo. Mẹ lơ đãng quên lọ muối, hũ tiêu thậm chí cả giấy báo đóng tiền điện sắp hết hạn. Trước mặt tôi, họ nín nhịn nhau vờ như mọi-thứ-vẫn-ổn-con-gái-ạ! Nhưng như thế chỉ thêm thách thức sức chịu đựng của họ mà họ lại hợp nhau ở chỗ thiếu tính nhẫn nại.
Không cần tôi cất công tìm hiểu, mọi chuyện sáng tỏ một cách tự nhiên nhất. Những đêm mẹ len lén khóc thút thít, nín bặt khi tôi đi ngang phòng mẹ rồi lại âm thầm khóc. Tôi mở cửa phòng cho mẹ mượn bờ vai bé nhỏ còn mẹ thì kể về tình nhân của bố, giọng lạc đi. Tôi tìm hiểu về cô- nguyên nhân chính của sự bế tắc nơi hai người. Cô trẻ, nét mặt thoáng u buồn nhưng không bao giờ cô đẹp hơn mẹ, dù ở khía cạnh nào chăng nữa. Điều khiến tôi ngạc nhiên là cô không phải đồng nghiệp của bố, không phải mối tình công sở vụng trôm tôi vẫn nghĩ. Cô là sự đồng điệu mà bố tìm thấy sau những lần thành khách quen ăn ở quán của cô những khi mẹ vội không kịp nấu sáng. Cô đâm sầm vào đời bố ngẫu nhiên như thế. Cái cách cô niềm nở với khách không gượng gạo, ân cần, tôi chợt nghĩ cô không phải con người xấu xa giật chồng người khác. Những giọt nước khóe mắt mẹ hiện ra thế là tôi lại muốn lao vào cào xé cô ra thành trăm mảnh, may mắn, lí trí giữ tôi lại.
Tôi nhớ buổi tối hôm ấy, bố con tôi ngồi ăn cơm với nhau, mẹ phải về quê lo đám giỗ ông thành ra nhà chỉ có hai bố con. Mẹ đi mà vẫn nấu sẵn cơm canh tươm tất chỉ sợ bố con tôi ăn không đủ chất, ốm đi vài gram. Tôi ăn cơm, miệng đắng nghét.
– Sao không ăn nữa? Chê đồ ăn mẹ nấu à? Mai bố mua đậu đũa về xào cho con ăn đổi vị nhé?
Tôi gật, không bao giờ tôi nghĩ bố một ngày lại có thể phụ tình mẹ tôi được.
– Bố yêu cô ấy hơn mẹ con ạ?- Tôi buông đũa
– Nhìn vào mắt con trả lời con đi bố!
– Đến mức này, con cũng nên biết sự thật.
Tai tôi ù đi, chỉ nghe rõ mỗi một câu bố mẹ sẽ li dị, bố sẽ sống với cô và tôi sẽ chọn lựa theo ai tùy ý. Tôi không nhớ nổi hình ảnh tôi gắng vớt vát về ông tối đó, vì có lẽ, nó bị nhòa bởi nước mắt cũng nên. Ngày bố mẹ ra tòa, hàng xóm xung quanh bàn tán “Tưởng gia đình văn hóa thế nào, ai ngờ chồng cũng mèo mả gà đồng gớm!”. Mẹ làm hội trưởng hội phụ nữ của phường đến sinh hoạt cho chị em phụ nữcũng bị người ta khinh thường. Ai lại muốn nghe một người thất bại trong hôn nhân khuyên mình cách giữ lửa gia đình chứ? Bố, mẹ và tôi chỉ còn lại trong nhau những nỗi đau khó lành. Ngày bố xách vali tạm biệt chúng tôi, bố chỉ bảo tôi hãy là điểm tựa vững chắc cho mẹ bám trụ. Tôi cười, bố biết mẹ suy sụp mà vẫn dứt áo ra đi, chứng tỏ tình yêu từng có chỉ là quá khứ lùi về dĩ vãng. Bố đi đem theo lời hứa xào cho tôi đĩa đậu để ăn cơm, mà chắc sau này không có dịp nữa. Tôi dành riêng hình ảnh bố của ngày xưa, đẹp đẽ và yêu mẹ như những gì còn sót lại về ông.
Tôi trong mắt nhiều người là một đứa con tồi tệ còn trong mắt bố mẹ tôi, tôi tuyệt vời hơn thế. Bởi, tôi đã không dùng chính mình để làm áp lực khiến họ phải cắn răng quay về sống mệt mỏi suốt phần đời còn lại tới khi nhắm mắt xuôi tay. Mẹ bán đi căn nhà ở hiện tại đầy những kỉ niệm một thời từng vui, về quê ngoại mua một căn nhà bé xíu cho hai mẹ con ở. Mẹ không cần trở cấp hàng tháng của bố, tự mẹ xoay sở bán buôn ngoài chợ có đồng vào đồng ra đến khi tôi tốt nghiệp Đại Học. Chúng tôi tập sống không cần bố!
“Mong rằng cô sẽ là tram dừng chân cuối cùng của bố. Khi người đàn ông chấp nhận bỏ vợ con theo người đàn bà khác chứng tỏ người ấy rất quan trọng. Chúc cô hạnh phúc!”. Tấm thiếp viết vài dòng tôi kẹp vào cổng nhà cô trước khi rời xa nơi này, tôi viết bằng sự an nhiên không oán hận. Nhưng tôi dám chắc rằng, đời người có phải trải qua bao nhiêu trạm dừng chân của cuộc sống thì trạm đầu tiên luôn là trạm đáng nhớ nhất. Phải không bố?
TÂM ĐẶNG – Nhật Ký Lạ