Tại sao chúng ta hay cảm thấy vui buồn lẫn lộn, và điều đó có ý nghĩa gì?
Nhìn chung, cảm xúc con người có thể được phân thành 2 nhóm: cảm xúc cơ bản và cảm xúc phức tạp. Có ít nhất tám loại cảm xúc cơ bản: hứng thú, vui vẻ, khổ đau, giận dữ, sợ hãi, lo lắng, ngạc nhiên và kinh tởm – mỗi loại gắn với những biểu cảm gương mặt khác nhau. Chúng ta thường nghĩ rằng mọi người trên thế giới này về cơ bản là chẳng khác gì nhau.
Nụ cười được tất cả các nền văn hóa xem như một biểu hiện của hạnh phúc và chào đón trong xã hội, trong khi khóc lóc là đại diện của nỗi buồn. Cảm xúc phức tạp bao gồm các trạng thái thường gặp như ghen tị, tội lỗi, xấu hổ, cảm thông, tự hào, biết ơn, và khinh ghét. Cảm xúc phức tạp là cảm xúc có nhận thức. Ví dụ như, cảm xúc ghen tị được được tạo ra từ ý nghĩ về tài sản mà người khác đang sở hữu. Xấu hổ lại là cảm xúc đau đớn để phản ứng lại cảm giác thất bại khi không đạt được nào đó hằng mong ước.
Ở trạng thái lẫn lộn cảm xúc, một người có thể cùng lúc cảm thấy cả buồn và vui. Và những cảm xúc này lại có xu hướng trái ngược nhau. Ví dụ như, nhân vật cha trong bộ phim “Life is Beautiful” (Cuộc sống tươi đẹp) là người tìm mọi cách giúp con mình luôn lạc quan vui vẻ dù thực tế là họ đang bị nhốt trong một trại tập trung của Đức Quốc xã – nơi đầy đớn đau về thể xác lẫn tinh thần.
Nghiên cứu cho thấy rằng những người xem phim này đã trải qua cảm xúc lẫn lộn – có cả hạnh phúc và buồn đau. Một ví dụ khác, rất nhiều cô gái trẻ kể rằng khi ăn một thanh sô-cô-la, họ trải qua cảm giác vui vẻ lẫn tội lỗi. Hay là nỗi buồn của đứa con khi mất đi người mẹ, nỗi buồn này thường hòa lẫn với cảm giác tội lỗi vì đã không lo lắng yêu thương lúc bà còn sống bên mình. Nỗi khao khát, hoài niệm về quá khứ (Nostalgia) thường là hỗn hợp của niềm vui khi nhớ về một điều thân thương nào đó, cùng với nỗi buồn day dứt khi điều yêu quý ấy vĩnh viễn mất đi. Còn các sinh viên khi tốt nghiệp, lại là một ví dụ của cảm giác vui sướng hòa lẫn với buồn bã, lo âu.
Trong lịch sử, các triết gia kết luận rằng những cảm xúc hỗn hợp có nguồn gốc từ những cảm xúc cơ bản ban đầu. Nhà tâm lý học Plutchik giải thích ý tưởng này bằng cách minh họa cảm xúc con người bằng những màu sắc khác nhau. Đỏ, xanh và vàng là ba màu cơ bản được chọn. Các màu sắc phức tạp hơn như tím, cam, xanh lá được tạo ra bằng cách trộn hai màu cơ bản lại với nhau. Sự kết hợp những màu sắc này ở các cấp độ khác nhau sẽ tạo ra thêm hàng triệu màu sắc nữa. Và không có bất kỳ màu sắc hay cảm xúc nào là tách bạch rõ ràng, riêng rẽ với các màu sắc hay cảm xúc kia. Bằng cách pha trộn hai hay nhiều cảm xúc (ví dụ như hạnh phúc, buồn đau, sợ hãi hay ghê tởm) ở nhiều mức độ, ta có thể tạo ra hàng trăm nhóm ngôn ngữ cảm xúc khác nhau.
Ta có thể thấy, hỗn hợp của niềm vui sướng và sự chấp nhận tạo các cảm xúc lẫn lộn trong tình yêu. Sự pha trộn giữa cảm giác ghê tởm và giận dữ tạo ra trạng thái cảm xúc hòa lẫn giữa khinh thường và thù hận. Sợ hãi và tức giận làm tăng cảm xúc ghen tị. Và ghen tị lại bắt nguồn từ việc ta nghi ngờ rằng có một người thứ ba thay thế ta trong mối quan hệ với người mà ta hết mực yêu thương. Sự kết hợp của sợ hãi và tức giận cũng tạo ra cảm giác cần thiết phải đóng cửa ngay lập tức (chẳng hạn như việc Mỹ thắt chặt an ninh ngay sau ngày ngày 11 tháng 9 năm 2001).
Vậy, những cảm xúc nào sẽ ảnh hưởng tới hành vi của chúng ta? Các cảm xúc mạnh sẽ được ưu tiên trong hành động. Nào, hãy xem xét những cảm xúc lẫn lộn trong một cuộc ly hôn làm ví dụ. Phản ứng của người chồng thường bị chi phối bởi sự giận dữ. Việc cần làm trong tình huống này là giúp họ nhận ra rằng cảm xúc tiêu cực của họ có thể đến từ nỗi buồn, cảm giác bị tổn thương và sợ hãi.
Một số người tin rằng ta chỉ nên có duy nhất một cảm giác nhất định với một người nào đó thôi (như thích hoặc là không thích). Nhưng hiếm có người nào chỉ có đơn giản một cảm xúc tích cực hay tiêu cực với người khác. Chấp nhận sự tồn tại song song những cảm xúc trái ngược nhau là một điều rất tốt vì nó cho thấy rằng bạn đang sử dụng thêm nhiều thông tin hơn trong việc đưa ra phản ứng với mọi thứ xung quanh.
Ví dụ, khi chỉ tập trung chú ý đến trí thông minh của người yêu, bạn cảm thấy yêu cô ấy tha thiết, nhưng khi nghĩ về những điều xấu hổ mà cô ta mang lại, bạn lại ghét cô ấy vô cùng. Đối với loại thái độ này, những đánh giá tích cực hay tiêu cực thường hướng vào những mặt khác nhau của cùng một người. Sự thay đổi trong sự chú ý (hay suy nghĩ) của chúng ta dẫn đến những đổi thay trong cảm xúc. Cảm xúc hỗn hợp phản ánh sự trưởng thành, trí thông minh của mỗi cá nhân và giúp ta nhận ra những khía cạnh trái ngược của con người.
Cảm xúc hỗn hợp có thể xem là một chiến lược quan trọng để ứng phó với các sự kiện tiêu cực trong cuộc sống (chẳng hạn như đối mặt với sự mất mác). Thật vậy, các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa những cảm xúc hỗn hợp và sức mạnh thể chất. Việc trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực bên cạnh những cảm xúc tích cực cho phép con người tìm ra điều tích cực trong những tình huống khó khăn (mà dân gian hay gọi là cái khó ló cái khôn).
Ví dụ như, khi mất đi một người thân yêu, việc để những ký ức vui vẻ hiện về cùng với nỗi buồn sẽ làm cho nỗi buồn của bạn trở nên lành mạnh hơn, buồn nhưng không bi lụy. Nói cách khác, việc luôn nhìn cả mặt tốt và mặt xấu, để niềm vui hòa nhịp với nỗi buồn sẽ là chìa khóa để bạn đối mặt và có sức chống chịu tốt hơn với những bất trắc trong cuộc sống.
Ví dụ như, khi mất đi một người thân yêu, việc để những ký ức vui vẻ hiện về cùng với nỗi buồn sẽ làm cho nỗi buồn của bạn trở nên lành mạnh hơn, buồn nhưng không bi lụy. Nói cách khác, việc luôn nhìn cả mặt tốt và mặt xấu, để niềm vui hòa nhịp với nỗi buồn sẽ là chìa khóa để bạn đối mặt và có sức chống chịu tốt hơn với những bất trắc trong cuộc sống.
Theo Psychology Today