Yêu Chân Thành: Đừng Che Dấu Những Góc Khuất

Chúng ta đều có chung một khao khát, đó là được yêu thương. Chúng ta đều muốn được nhìn nhận và trân trọng bằng chính con người thật của mình.  Chúng ta đều muốn có ai đó nhìn nhận được những giá trị đặc biệt thật sự, hơn là vẻ bề ngoài của ta. Nhưng đồng thời, ta lại cố gắng giấu đi những khuyết điểm, chỉ phô bày một “bản thân” đẹp đẽ nhất trong mắt mọi người.

Chúng ta muốn mọi người nhìn vào ta, thấu hiểu ta, nhưng cùng lúc đó, ta lại muốn thể hiện mình là một người thành công, điềm tĩnh, biết điều tiết cảm xúc. Và chính bởi cái lớp vỏ ngoài tích cực đó, nên khi nghe thấy những lời chúc tụng và khen ngợi từ người khác, ta lại chẳng tin vào. Bởi “họ đâu thực sự biết mình ra sao... Nếu như họ biết những nỗi buồn, những điều tồi tệ của mình, họ sẽ chẳng còn yêu mình như thế nữa.”

Tôi định nghĩa những phần khuyết điểm bị đè nén, che giấu và bị chối bỏ bởi chính bản thân ta và cả trước mặt người khác này là những góc tối: cảm giác thù địch, gây hấn, tổn thương, tham lam, bạo dâm, dựa dẫm, bất lực, dâm dục, căm hận, và còn nhiều hơn nữa.

Bởi xã hội, tôn giáo và văn hóa vẫn luôn chê trách và lên án chúng, mọi người vẫn thường tìm cách tách biệt chúng ra khỏi bản thân. Tuy nhiên, bên trong những góc khuất này, đâu đó cũng tồn tại những điều tích cực bị chèn ép, ví dụ như sự quyết đoán, khiêu gợi, sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú, sự táo bạo và một “bản thân” tràn trề sức sống, và còn nhiều hơn thế nữa.

 

Ẩn sâu trong những góc tối của tâm hồn mỗi người, lại tồn tại một luồng ánh sáng độc đáo riêng biệt.

 Ta có thể dễ dàng cảm nhận được nguồn năng lượng này khi ta thử xem xét cái bóng của mình, phản chiếu xuống đất khi ánh sáng chiếu thẳng lên cơ thể ta. Ta càng lùi ra xa khỏi cái bóng, nó lại càng to dần lên, giống như một đám mây đen kịt lơ lửng trên đầu ta. Tuy nhiên, nếu ta tiến lại càng gần cái bóng hơn, thì cái bóng không chỉ nhỏ lại, mà chính bản thân ta cũng sẽ lớn dần lên, chiếm lấy cái bóng đó.

 Vậy nên cũng giống như câu chuyện về ánh sáng kia, giải pháp duy nhất để thoát khỏi cái bóng mà ta tự tạo ra (thứ luôn khiến ta cảm thấy cô đơn, ngay cả với những người thân yêu nhất) không phải là  bước lùi chạy trốn nó, mà là dám phơi bày cái bóng ấy ra. Đây là cách nhanh nhất để những người ta yêu thương nhất thấy được nguồn sức mạnh độc nhất của ta, và cũng là cơ hội để ta học cách tin tưởng vào họ.

 

Vì sao phơi bày cái bóng tối đó, lại chính là cách tô điểm thêm cho ánh sáng của bản thân?

Khi ta chấp nhận để những người thương yêu nhất nhìn thấy những điều ta đã luôn che giấu, họ có thể nhìn nhận về ta bằng ánh nhìn chân thật nhất –  những vết ung nhọt, trầy xước, tất cả mọi thứ.

Sự thật là họ đã luôn ngấm ngầm quan sát những góc khuất ấy, một cách tinh tế. Vậy nên chuyện này đã giúp xác nhận những phỏng đoán của họ về ta, giúp họ nhìn nhận được bản chất riêng biệt, phức tạp và trưởng thành của ta – một người tự nhận thức được chính mình và không ngại ngùng khi nói về những sai sót của bản thân.

Bước tiến này thường khiến đối phương có cảm giác trân trọng và yêu thương ta sâu sắc hơn.

Vậy nên, nếu như đối phương vẫn trân trọng và yêu thương ta, ngay cả khi đã nhìn thấy những góc khuất tồi tệ ấy, sự tôn trọng, ngưỡng mộ và tình yêu của họ sẽ đủ mạnh để vượt qua những bức tường rào phòng thủ mà ta đã dựng nên, và rồi ta sẽ thực sự cảm nhận được tình yêu thương và sự thấu hiểu mà đối phương dành cho mình.

Với tư cách là một nhà trị liệu trong lĩnh vực hôn nhân, tôi luôn khuyến khích những khách hàng của mình, hãy thành thật với đối phương về những góc khuất của bản thân. Có lần tôi đã chữa trị cho một cặp đôi, người vợ rõ ràng không hề muốn ở cạnh chồng của mình, đến nỗi cô ấy cố tìm một cái cớ để có thể đến văn phòng và làm việc vào buổi tối. 

Artwork by @eves_art_project

Nguồn: https://www.instagram.com/p/Bm-YnCTB9Qd/

Người chồng bảo rằng đó là cách cô ấy tránh việc phải thân mật với anh, khi những đứa trẻ đã say ngủ. Cô ấy không ngừng bác bỏ một phần vốn dĩ là rất tự nhiên và là nhu cầu thiết yếu của một mối quan hệ: nhu cầu muốn có được khoảng không gian cho riêng mình. Vì sao cô ấy cứ phải chối bay chối biến mong muốn chính đáng như vậy?

 Phải qua nhiều buổi trị liệu khác nữa, thì cô gái này mới chịu thừa nhận rằng cô ấy cũng không muốn dành thời gian cho lũ trẻ, bởi mong muốn hiện tại của cô là tập trung vào việc xây dựng sự nghiệp của bản thân. Trong tư tưởng của cô, cái tham vọng công việc ấy và cả việc làm theo mong muốn của bản thân một cách chính đáng và lành mạnh, là những thứ bị cấm kị. Cô ấy cảm thấy những cảm xúc đó là những thứ phải đặt ở góc khuất, là những thứ bị chối bỏ, bị vứt vào bóng tối.

Cái giá phải trả của sự che đậy này, chính là cảm giác âm ỉ, cô độc và tuyệt vọng trong chính hôn nhân của mình, và cả trạng thái liên tục phải chống chế với chồng mình. Khi cô ấy chia sẻ tất cả, chồng của cô mỉm cười, và cái bầu không khí căng thẳng trong phòng khám cũng tan biến. Họ đã biết xem xét, nghĩ ngợi và thậm chí là đón nhận và chung sống với góc khuất của nhau như một cặp vợ chồng thật sự, trong một luồng sáng mới, cùng với sự thấu hiểu dành cho những động lực, những điều từng trải và cả những cảm xúc của đối phương. Chồng của cô gái cuối cùng cũng trút bỏ những suy nghĩ tiêu cực và áp đặt trong lòng đối với ham muốn làm việc của cô, và cô ấy cảm thấy như được tiếp thêm sinh lực, như được trân trọng đúng với giá trị của bản thân trong tham vọng nghề nghiệp của mình.

Ngoài ra, còn có một cặp đôi khác đã góp câu chuyện của mình vào ví dụ về những vấn đề liên quan đến góc khuất này. Một người đóng vai một người cha già nhân từ, và người còn lại thì đóng vai một đứa trẻ đang bị tổn thương. “Đứa trẻ” cứ liên tục thử thách người bên cạnh mình, trong khi người “cha già” thì không đủ nhạy cảm và cũng chẳng thể hiện được hết tình yêu của mình, đủ để có thể vượt qua thử thách đó. Và “đứa trẻ” đã luôn cho rằng những hành động của đối phương chỉ cho thấy bản tính ngấm ngầm muốn gây hấn.

Ngay từ những buổi đầu của quá trình trị liệu, cả hai người đều có thể thấy được những góc khuất của “đứa trẻ” ấy, hầu hết là những vết thương lòng, những thù hận, những suy nghĩ chưa chín chắn. Tuy nhiên, cả hai đều không thể, hoặc không muốn nhìn thấy, góc khuất của “người cha nhân từ”.

Tôi đã cố giải thích cho anh chàng gia trưởng này hiểu rằng, việc để cô ấy thấy những góc khuất hung hăng (nhưng chỉ là thụ động) của anh là tốt cho chính anh thôi, vậy nên hãy cứ thẳng thắn về sự hoài nghi của mình; về việc anh ta vẫn hay quên béng đi các yêu cầu của vợ; sự khinh thường và cười cợt của anh trước sự non nớt, thiếu chín chắn của vợ. Tôi nói với anh ấy rằng nếu anh có thể làm theo lời tôi nói, thì vợ của anh sẽ thôi không áp đặt những suy nghĩ tiêu cực của mình (hay còn gọi là hội chứng ghi đè tâm lý tiêu cực) lên anh nữa, cô ấy sẽ thật tâm trân trọng và yêu anh nhiều hơn, theo cách chín chắn và sâu sắc hơn. Và đáp lại tôi, anh chàng gia trưởng thắc mắc “Vì sao cơ chứ? Tôi không muốn cô ấy biết về những mặt xấu của tôi.”

 

Chúng ta vẫn thường giữ suy nghĩ rằng nếu ta để cho đối phương thấy những mặt xấu, cấm kị của ta, thì họ sẽ chỉ làm ta thêm tổn thương, và rồi rời xa ta.

Nhưng thật ra thì đối phương vốn dĩ đã ngầm quan sát và nhận thức được những gì chúng ta đang che giấu. Chính vì chúng ta cứ không ngừng chối bỏ và che giấu chúng  nên khoảng cách, những suy nghĩ tiêu cực, nghi ngờ, hắt hủi và khinh miệt mới ngày một lớn dần lên trong suy nghĩ và trong cả tình cảm của những người gần gũi xung quanh ta.

Và rồi ta bắt đầu tự vấn bản thân, rằng liệu họ có thực sự yêu ta hay chỉ đang nói những lời chót lưỡi đầu môi, và tất cả chỉ là những cảm xúc nhất thời? Theo thời gian, những cảm xúc bất an và chán nản lớn dần lên, bởi ta dần cảm thấy những cảm xúc giữa cả hai luôn có một chút gì đó giả tạo, không thành thật.

 

Việc chúng ta phân tách rõ ràng giữa những cảm xúc và chỉ giữ lại những gì tích cực nhất để thể hiện ra trước mặt đối phương chính là mồ chôn do chính ta xây nên, cho một thứ tình cảm chín chắn và khác biệt hơn mà ta đã luôn mong đợi.

Khi một trong hai người chịu thừa nhận và chia sẻ những góc khuất, trên thực tế thì người đó cũng đã giải thoát cho đối phương khỏi vai trò của một người ngoài lề, bị tù túng và hạn chế bản thân, để họ thể hiện những cảm xúc của một bản thân khác biệt hơn. Và rồi mối quan hệ giữa cả hai trở nên cân bằng hơn, và cả hai đều cảm thấy dễ thở hơn.


Cả hai bên đều được nhẹ nhõm và tự do hơn, hai bên có thể chia sẻ nhiều hơn về những khía cạnh của bản thân, cảm thấy thân mật hơn và không còn phán xét lẫn nhau nữa. Ta dần hình dung ra một bức tranh trọn vẹn hơn về đối phương, chào đón những điều mới mẻ và phong phú hơn ở họ. Tình cảm mà ta dành cho họ dần trưởng thành và tròn vẹn hơn.

Đừng giấu giếm những góc khuất, hãy để đối phương nhìn thấy chúng một cách trọn vẹn nhất. Ai cũng sẽ run sợ, nhưng đừng vì thế mà chùn bước. Về lâu về dài, bạn sẽ cảm thấy mình được trân trọng nhiều hơn cả những gì bạn từng trải qua trong một mối quan hệ. Vậy nếu bạn muốn nỗ lực trong việc chia sẻ nhiều hơn về những góc khuất của bản thân, dưới đây là bảy bước có thể giúp bạn:

1. Xác định mối quan hệ quan trọng đối với bạn, xác định người mà bạn muốn chia sẻ nhiều hơn về chính bản thân mình.

2.  Chia sẻ cho họ biết về ý định của bạn, rằng bạn muốn cho họ thấy nhiều khía cạnh hơn về bạn, để mối quan hệ giữa cả hai được thắt chặt hơn và tránh để bản thân bị tổn thương. Hãy chia sẻ bài viết này cho cậu ấy, để cả hai tìm thấy tiếng nói chung.

3. Mạnh dạn chia sẻ về những điều mà chính bạn cũng chẳng hề tự hào về chúng, bằng giọng điệu nhẹ nhàng, chậm rãi, tình cảm và thoải mái. Có thể nói về những lần bạn tìm cách gạt bỏ, coi thường, tự khinh khi và ném đá, hoặc thậm chí có những suy nghĩ cấm đoán bản thân về chính những điều đó, những điều mà đối phương quan tâm. Đừng nói một cách ồ ạt, hãy chậm rãi kể từng chút một, để cả hai có thể từ từ tiêu hóa lượng thông tin này.

4.  Giữ cho bản thân bình tĩnh. Hãy cho cả hai thời gian để tiếp nhận những lời thú nhận này.

5.  Đối phương ban đầu có thể bị sốc, bị tổn thương hoặc thất vọng. Hãy nhắc nhở họ rằng bạn đang chia sẻ những điều này với mong muốn một sự thân mật, mong muốn mối quan hệ giữa cả hai có thể tiến đến giai đoạn sâu sắc hơn. 

6.  Sau một khoảng thời gian, hãy dò hỏi đối phương, lắng nghe những suy nghĩ và phản ứng của họ về những điều bạn vừa chia sẻ. Lắng nghe xem họ đã có những suy đoán, những cảm nhận lờ mờ như thế nào về những điều này. Và giờ đây họ cảm thấy những suy đoán, cảm nhận tiêu cực trước đây đã được bạn điều chỉnh như thế nào?

7.  Hãy chuẩn bị tinh thần để đón nhận những sự thật có thể gây mất lòng từ những người thân yêu. Hãy nhắc nhở bản thân rằng đây là cách duy nhất để cả hai cùng vượt qua, và họ cũng đang thể hiện những mặt khác của bản thân mà bạn chưa từng nhìn thấy. Điều mà cả hai đang cùng cảm nhận chính là những nỗi đau của bước đầu trên hành trình tôi luyện một mối quan hệ mật thiết. Và việc bước chân vào lò luyện kim này có lẽ là cách nhanh nhất để biểu lộ một bước tiến mạnh mẽ và vượt bậc của cả hai trong mối quan hệ, hướng tới khả năng duy trì mối quan hệ bền lâu hơn, trong cả những lúc thuận hòa hay xung đột.

 

Nếu bạn đã lựa chọn con đường này, hãy chuẩn bị tinh thần để mở ra một trang mới cho mối quan hệ: một mối liên kết khác biệt hơn, nơi cả hai có thể chia sẻ và đón nhận, đánh giá và trân trọng nhiều hơn về cả hai. Nơi mà “cái bóng” và “ánh sáng” của cả hai không chỉ được nhìn thấy mà còn được trân trọng. Ở đoạn kết của câu chuyện, bạn sẽ có cơ hội được cảm nhận tình yêu thương thật sự mà đối phương dành cho chính con người thật sự của bạn.

 

Nguồn: https://funmary.com/arranged-for-iphone-x-beautiful-wallpapers-background-2/