Cách Để Tìm Một Người Bạn Đời Lý Tưởng

Cuộc đời thường sẽ như này đối với một người mãi vẫn chưa thoát FA:
Có một nghiên cứu chỉ ra rằng các cặp đôi đã cưới thường sẽ hạnh phúc hơn những người độc thân và những cặp đôi đã li dị. Nhưng một phân tích gần đây đã chỉ ra rằng nếu bạn chia các cặp "đã cưới” thành hai nhóm:
1. Những người tự đánh giá chất lượng cuộc sống sau cưới của mình không hạnh phúc bằng những người độc thân.
2. Những người đánh giá cuộc sống sau cưới của mình hạnh phúc hơn cả mong chờ. 
Nói cách khác, đây là những gì xảy ra trong thực tế:
Những người không hài lòng với tình trạng độc thân của mình lẽ ra nên lạc quan hơn vì họ có thể tránh được một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Một người độc thân muốn tìm một mối quan hệ tốt đẹp cần thực hiện một bước duy nhất: “1) Tìm một mối quan hệ tốt.” trong khi những người đang trong mối quan hệ không tốt đẹp thì lại cần những ba bước: “1) Trải qua một cuộc chia tay tan nát cõi lòng. 2) Phục hồi về mặt tinh thần. 3) Tìm một mối quan hệ khác.” Sẽ không quá khó khăn khi nhìn nhận theo cách này, đúng chứ?
 
Mọi nghiên cứu về cuộc sống hôn nhân từ đau khổ đến hạnh phúc đều dẫn đến một thứ - đó là người bạn đời của bạn
 
Nghĩ về tầm quan trọng của việc chọn đúng người bạn đời như thể nghĩ về sự vô biên của vũ trụ và mức đáng sợ của cái chết vậy – nó vượt ra ngoài tầm hiểu biết nên chúng ta không thường xuyên thực sự nghĩ về nó và cũng không công nhận tầm quan trọng của vấn đề. 
 
Nhưng không giống như cái chết hay kích thước của vũ trụ, lựa chọn một người bạn đời hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Vậy nên bạn phải hoàn toàn nắm được tầm quan trọng của nó và phân tích được các yếu tố quan trọng góp phần thành công.
 
Vậy vấn đề này quan trọng cỡ nào? 
 
Hãy bắt đầu từ việc lấy 90 trừ đi số tuổi hiện tại của bạn. Nếu bạn sống thọ, kết quả của phép tính này sẽ là quãng thời gian bạn sống với bạn đời hiện tại hoặc tương lai của mình. 
 
Tôi khá chắc rằng không ai trên 80 tuổi sẽ đọc bài viết này, vậy nên không quan trọng bạn là ai, quãng thời gian đó là khá nhiều đấy và hẳn cũng là hầu hết quãng thời gian còn lại của người kia. 
(Dĩ nhiên nhiều người sẽ li dị, nhưng bạn không nhất thiết nằm trong số đó. Một nghiên cứu chỉ ra rằng 86% người trẻ nghĩ  hôn nhân hiện tại hoặc tương lai của họ sẽ là mãi mãi và chắc hẳn người lớn sẽ nghĩ như vậy. Thế nên chúng ta sẽ tiếp tục với giả định này nhé.)
 
Khi bạn chọn một người bạn đời đồng thời bạn cũng chọn rất nhiều thứ bao gồm cả việc nuôi nấng con cái và người có ảnh hưởng sâu dậm tới con cái bạn, người sẽ cùng bạn ăn 20.000 bữa ăn, người cùng bạn đi khoảng 100 chuyến du lịch, người bạn dành chủ yếu thời gian rảnh và sống cùng bạn trong khoản thời gian về hưu, đó cũng là bạn tâm giao về sự nghiệp của bạn và là người sẽ kể cho bạn về ngày của họ khoảng 18.000 lần. 
 
Quá nhiều đúng chứ?!
 
Có thể nói việc tìm được một người bạn đời lý tưởng đóng một vai trong rất quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Nhưng tại sao nhiều người tài giỏi, thông minh, tử tế lại trở nên bất hạnh và không hài lòng với cuộc đời chỉ vì người bạn đời của mình? 
 
Hóa ra, có rất nhiều yếu tố ngăn cản chúng ta có được một người bạn đời hoàn hảo:
 
Mọi người thường trở nên rất kém trong việc nhận biết thứ họ thực sự muốn từ một mối quan hệ. 
 
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng con người khi còn độc thân thường rất kém trong việc dự đoán những thứ họ thực sự muốn trong mối quan hệ của mình. Một nghiên cứu khác đã cho thấy câu trả lời của những người hẹn hò nhanh khi được hỏi về những thứ họ muốn trong mối quan hệ lại không khớp với hành động thực sự của họ. 
 
Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên. Trong cuộc sống, bạn sẽ làm tốt một việc gì đó sau khi đã thực hành nhiều lần. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội thực hành nhiều, nên trong trường hớp này ta phải trải qua mối quan hệ nghiêm túc để đưa ra quyết định quan trọng. Vì thời gian lại không bao giờ là đủ. Giả định rằng những nhu cầu của bạn đời và mối quan hệ của một người sẽ khác so với thời kỳ độc thân thì sẽ rất khó để một người biết thứ mình thực sự cần và muốn từ một mối quan hệ.  
 
 
Những lời khuyên từ xã hội là hoàn toàn sai.
 
→ Xã hội khuyến khích sự thiếu hiểu biết và niềm tin tuyệt đối vào sự lãng mạn của chúng ta trong tình yêu.
 
Nếu bạn đang điều hành một công ty, người ta sẽ nghĩ ngay rằng bạn sẽ điều hành tốt hơn khi bạn học tại một trường kinh doanh, nhờ đó bạn tạo ra những kế hoạch kinh doanh hiệu quả hơn và phân tích trạng thái hoạt động của ty tốt hơn. Điều này là hợp lý vì đó là cơ chế suy nghĩ để làm tốt một việc gì đó và hạn chế sai lầm của mỗi người. 
 
Nhưng nếu một người tới trường để học cách chọn bạn đời và có một mối quan hệ lành mạnh, lập ra một kế hoạch chi tiết để tìm một người bạn đời và tuân thủ nó nghiêm ngặt, xã hội sẽ nói họ là: A) Một con rô-bôt. B) quá đặt nặng vấn đề. C) một người điên. 
 
Nhưng thực ra không phải thế, khi nói về hẹn hò, xã hội lại nghĩ quá nhiều về nó thay vì chọn để mặc cho số phận quyết định, đi theo linh tính và trông chờ vào một kết quả tôt đẹp. Nếu một lãnh đạo doanh nghiệp áp dụng những góp ý của xã hội về tình yêu lên doanh nghiệp của mình, hẳn cô ấy sẽ thất bại. Còn nếu cô thành công, ta chỉ có thể nói là nhờ vào may mắn – và đó mới là cách mà xã hội muốn ta tiếp cận với tình yêu. 
 
→ Ta không thể tin vào những lời “xúi bẩy” của xã hội trong công cuộc tìm kiếm bạn đời của mình. 
 
Trong một nghiên cứu về yếu tố điều khiển các quyết định trong hẹn hò của chúng ta, sự yêu thích hay cơ hội thì cơ hội đã thắng – những quyết định hẹn hò 98% là hưởng ứng phong trào và chỉ có 2% là những khao khát không thể thay đổi. Các đề xuất hẹn họ với người cao, thấp, béo, gầy, chuyên nghiệp, làm văn phòng, có học thức hay không học thức trên 9/10 là phụ thuộc vào bản thân người đưa ra đề xuất có gì trong buổi hẹn đấy. 
 
Như vậy, mọi người sẽ chọn ra một người từ một đống các sự lựa chọn cho dù quyết định đó có tồi tệ đến mức nào. Kết luận khả quan nhất cho điều này là ngoài những người thân quen, ai cũng muốn tìm kiếm một người bạn đời cho mình, có thể bằng các công cụ hẹn hò online, hẹn hò cấp tốc và các hệ thống khác để mở rộng các sự lựa chọn. 
 
Nhưng những người cổ hủ lại không tin tưởng những công cụ này và mọi người thường rất ngại khi tiết lộ nếu họ gặp được bạn đời của mình nhờ một công cụ hẹn hò trực tuyến. Cách duy nhất được người đời tôn trọng là nhờ may mắn, bằng cách bất ngờ va vào người khác và về sau họ thành bạn đời của bạn. May là định kiến này đã mờ nhạt hơn theo thời gian, nhưng nhờ đó chúng ta cũng đủ hiểu về các chuẩn mực trong chuyện đôi lứa của xã hội.   
 
→  Xã hội kiểm soát chúng ta. 
 
Có một quy tắc quan trọng là bạn phải kết hôn trước khi quá già - từ 25 đến 35 tuổi tùy thuộc vào nơi bạn sống. Lẽ ra quy tắc này phải là “làm gì cũng được, chỉ là đừng lấy nhầm người” nhưng xã hội đánh giá một người 37 tuổi độc thân gay gắt hơn là một người 37 tuổi với hai con nhưng cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Thật vô lý đúng không?– người đầu tiên chỉ cần một bước nữa là có thể có được cái kết tốt đẹp còn người thứ hai lại phải trải qua một giai đoạn li hôn căng thẳng chỉ để bắt kịp với tình trạng của người độc thân trước. 
 
 
Hệ sinh học của chúng ta chả có tác dụng gì trong việc giúp ta tìm ra bạn đời
 
→ Hệ sinh học của con người tiến hóa từ xa xưa nhưng lại không hiểu được sự kết nối sâu xa với người bạn đời của ta suôt 50 năm chung sống. 
 
Khi chúng ta gặp ai đó lần đầu tiên và sự thích thú nảy lên trong đầu, hệ sinh học của chúng ta sẽ vào trạng thái “được đấy, cứ thử xem” và kích thích chúng ta với một đống hóa chất để ta cặp với họ (trạng thái ham muốn), nảy sinh tình yêu (trạng thái tuần trăng mật) và cam kết một cuộc sống lâu dài với nhau (trạng thái ràng buộc). Não chúng ta thường làm quá quá trình này nếu chúng ta không thực sự thích đối phương, nhưng đối với những người đã “đến tuổi” như đã nói trên thì thay vì bỏ đi và tìm đến một người khác, họ lại dễ dàng thỏa hiệp và kết hôn. 
 
→  Đồng hồ sinh học là một thứ đáng ghét. 
 
Đối với một người phụ nữ muốn có một gia đình và sinh con, cô chỉ có một sự lựa chọn là chọn được một người bạn đời lý tưởng trước khi bước vào dai đoạn mãn kinh (khoảng 40 tuổi). Đây chỉ là một sự thật khó chấp nhận và khiến công cuộc tìm bạn đời trở nên căng thẳng hơn. Nhưng nếu đó là tôi, tôi thà nhận nuôi một đứa con cùng với người bạn đời lý tưởng còn hơn là sinh con với một người không hợp với mình. 
 
Vậy khi bạn tập hợp một nhóm người không biết họ muốn gì trong một mối quan hệ, vây quanh họ với xã hội để bảo họ phải tìm người bạn đời cho mình mà không được nghĩ nhiều hay khám phá và phải nhanh chóng rồi hệ sinh học sẽ phản phệ họ nếu họ cố tìm hiểu vấn đề và hạn sinh con lại ngắn, bạn sẽ nhận được gì? 
 
Sự cập rập trong các quyêt định chỉ vì những lí do không đáng khiến nhiều người đã đưa ra những sự lựa chọn khiến họ phải hối hận về sau. Hãy nhìn vào những ví dụ sau đây, họ đều là nạn nhân của những yếu tố trên và kết thúc với một cuộc sống không tốt đẹp:
 
Ronald- người quá chú trọng sự lãng mạn:
 
Câu chuyện này bắt nguồn từ niềm tin của một anh chàng tên Ronald rằng chỉ cần tình yêu là đủ để đến với một người. Sự lãng mạn có thể là yếu tố quan trọng trong một mối quan hệ và tình yêu là chìa khóa dẫn tới một hôn nhân hạnh phúc, nhưng nếu không có các yếu tố quan trọng khác, chỉ thế thôi vẫn chưa đủ. 
 
Người đàn ông quá chú trọng sự lãng mạn này đã ngó lơ những tiềm thức cố nhắc nhở anh ta khi anh ta và bạn gái cãi nhau liên miên hoặc khi anh ta cảm thấy tồi tệ sau khi có bạn gái, anh ta dần tắt đi những suy nghĩ như: “Mọi thứ đều có lí do của nó và cách chúng tôi gặp nhau không phải là ngẫu nhiên.” và “Tôi thực sự yêu cô ấy và đó mới là điều quan trọng”- một khi một người chú trọng sự lãng mạn tin rằng anh ta đã tìm thấy người bạn đời thực sự của mình, anh ta sẽ dừng đặt câu hỏi và sẽ giữ vững niềm tin của mình trong cả quang thời gian hôn nhân không hạnh phúc. 
 
Friva – người bị chi phối bởi nỗi sợ hãi.
Nỗi sợ là yếu tố tồi tệ nhất để bạn đưa ra quyết định chọn người bạn đời cho mình. Thật không may, cách mà xã hội được thiết lập khiến nỗi sợ ẩn trong tiềm thức chúng ta thỉnh thoảng trỗi dậy vào khoảng giữa những năm đôi mươi của ta. Các nỗi sợ hãi về xã hội (và cha mẹ và bạn bè) của chúng ta đè nặng chúng ta – nỗi sợ trở thành người duy nhất còn độc thân trong đám bạn, nỗi sợ có con muộn, đôi khi chỉ là nỗi sợ bị đánh giá và đám tiếu – tất cả đều sẽ dẫn ta tới một kết cục không mấy tốt đẹp. Trớ trêu thay, nỗi sợ đáng lí ra ta phải có là nỗi sợ về một tương lai sống trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, với sai người – số phận mà những người bị điều khiển bởi nỗi sợ kia phải chịu chỉ vì họ không muốn mạo hiểm. 
 
Ed – người bị chi phối bởi yếu tố bên ngoài
 
Những người này để cho người ngoài điều khiển các lựa chọn bạn đời của mình. Việc lựa chọn một người bạn đợi là việc mang tính cá nhân thuần túy, cực kỳ phức tạp, khác biệt với từng người và hầu như không thể hiểu được từ thế giới bên ngoài kể cả khi bạn có thực sự hiểu được người trong cuộc đi nữa. Chính vì vậy, ý kiến của người ngoài là vô ích với người trong cuộc trừ những trường hợp bị ngược đãi và bạo hành. 
 
Ví dụ đáng buồn nhất là một người đã chia tay người lẽ ra sẽ là người bạn đời lý tưởng của mình chỉ vì người khác không chấp thuận hoặc bởi một yếu tố nào đó mà người lựa chọn không thực sự quan tâm (tôn giáo khá phổ biến trong trường hợp này) nhưng phải làm theo vì sự kỳ vọng và phản đối của gia đình. 
 
Trường hợp ngược lại cũng xảy ra, khi người khác thấy cuộc tình của Ed rất tốt đẹp từ bên ngoài nhưng thực ra bên trong lại không phải thế, Ed lại không có đủ quyết tâm để kết thục mối quan hệ này vì không có sự chấp thuận hoàn toàn từ bên ngoài. 
 
Sharon – người nông cạn, hời hợt. 
Cô gái Sharon nông can chỉ quan tâm tới vẻ ngoài của đối phương mà không màng tới tính cách thực sự bên dưới lớp mặt nạ đó. Có rất nhiều đặc điểm bên ngoài khiến cô chú ý tới như ngoại hình, sự nghiệp, sự giàu sang hoặc người đặc điểm khác biệt như là người nước ngoài hoặc có tài năng đặc biệt nào đó. 
 
Ai cũng có những đặc điểm bên ngoài mà họ mong muốn đối phương của mình sở hữu nhưng một người có cái tôi cao sẽ coi trọng vẻ bề ngoài và sơ yếu lí lịch hoàn hảo hơn là sự kết nối về tinh thần với đối phương.
 
Nếu bạn muốn có một cuộc tình dựa trên những đánh giá như vậy, người được chọn chỉ là người có những đặc điểm bên ngoài mà bạn mong muốn, còn tính cách bên trong của họ ra sao bạn sẽ không quan tâm nhiều. Họ sẽ là một “cậu bạn trai hoàn hảo” hoặc “một cô bạn gái hoàn hảo”,v.v vì họ có thể lấp đầy những kỳ vọng vật chất của bạn. 
 
 
 
 
 
Stanley – người ích kỷ
Sự ích kỷ có ba dạng, thỉnh thoảng chúng có thể cùng xuất hiện cùng nhau:
 
1) Dạng “Làm theo ý của tôi hay kết thúc”:
Người này không chịu hy sinh hay thỏa hiệp bất kỳ điều gì cho đối phương. Người này tin rằng nhu cầu và tham vọng và ý kiến của họ quan trọng hơn của đối phương và phải chen chân vào mọi quyết định lớn. Suy cho cùng, họ không hề muốn một người bạn đời lý tưởng mà chỉ muốn sống độc thân nhưng vẫn có người bên cạnh mà thôi. 
 
Những người này chắc hẳn sẽ kết thúc với một người dễ tính là tốt nhất, tệ nhất là với một người dễ dãi, có vấn đề với lòng tự trọng của bản thân. Như vậy, cô ta đã hy sinh cơ hội để được ở trong một đội bình đằng và cơ hội để có được chất lượng cuộc sống hôn nhân tốt. 
 
 
 
 
2) Dạng nhân vật chính:
Vấn đề duy nhất của “Nhân vật chính” là họ chỉ quan tâm đến bản thân. Một anh chàng muốn một người bạn đời có thể phục vụ anh ta như bạn tâm giao và người ngưỡng mộ của anh ta nhưng anh ta lại không muốn đền đáp cho họ. Mỗi tối, anh ta sẽ cùng cô ấy kể về ngày làm việc của họ nhưng 90% sẽ là chuyện của anh ta – có thể thấy, anh ta là nhân vật chính của mối quan hệ này. Vấn đề là vì không thể tách mình ra khỏi thế giới riêng của bản thân, anh ta phải chọn một người bạn thân làm bạn đời của mình, dẫn đến 50 năm cuộc đời tẻ nhạt nếu hai người không hợp nhau trong hôn nhân. 
 
3)    Dạng bị nhu cầu điều khiển:
Ai cũng có nhu cầu của riêng mình và đông thời cũng muốn chúng được đáp ứng. Nhưng vấn đề nảy sinh khi những nhu cầu như – cô ấy nấu ăn cho tôi, anh ấy sẽ trở thành một người cha tuyệt vời, cô ấy sẽ là một người vợ tốt, anh ấy giàu, cô ấy giúp tôi trở nên ngăn nắp, anh ấy rất giỏi chuyện giường chiếu – đã trở thành cơ sở cho việc chọn lựa bạn đời của hầu hết mọi người. Những nhu cầu liệt kê trên là cơ bản nhưng chúng chỉ tập trung vào vẻ ngoài của một người mà thôi, chúng không giúp bạn thực sự trải nghiệm và thấu hiểu đối phương. Rồi sau một năm kết hôn, những nhu cầu trên đã được đáp ứng và ta không còn cảm thấy hứng thú như lúc ban đầu nữa, ta buộc phải tìm ra nhiều điều tốt đẹp hơn về mối quan hệ này hoặc từ bỏ và bắt đầu lại. 
 
 
Nguyên nhân chính mà các mối quan hệ kể trên đều kết thúc không tốt đẹp là vì chúng chịu tác động bởi những yếu tố khiến ta không hiểu được tầm quan trọng của bạn đời và điều làm hôn nhân gia đình hạnh phúc.
 
 

 

Thường thì để thành công một việc lớn, bạn phải chia nó thành nhiều việc nhỏ và tập trung hoàn thành từng cái một. 

Ví dụ như khi chúng ta tìm cách từ bỏ thói trì hoãn, cách để thành công là lập nên một danh sách dài những công việc nhàm chán. Trong bài viết khác của chúng tôi về cách trở nên tích cực trong cuộc sống, chúng ta lại tiếp cận gần hơn với cuộc sống con người, nhận ra đó nó tẻ nhạt mức nào, lặp lại liên tục và để có được một cuộc sống hạnh phúc, ta học cách trở nên vui vẻ mỗi ngày với một danh sách các bước thực hiện.

Tôi nghĩ điều này cũng áp dụng trong hôn nhân. Có rất nhiều bước để có được một hôn nhân hạnh phúc bền lâu. 

Từ xa xưa, người ta thường tin rằng một cuộc hôn nhân tuyệt vời bao giờ cũng bắt nguồn từ một mối tình đẫm nước mắt như trong những cuốn tiểu thuyết hay phim ảnh. Thật tuyệt khi nhìn nhận hôn nhân từ góc nhìn thơ văn lãng mạn như vậy. 

Nhưng hạnh phúc ngoài đời không đơn giản như thế. Chúng ta không sống trong thế giới tưởng tượng đẹp đẽ của một ai đó, chúng ta bị mắc kẹt bởi những sợi xích cuộc đời - cái tước đi hạnh phúc của chúng ta. 

Khi nói về một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, hãy bắt đầu nhìn kỹ nó và ta sẽ nhận ra nó không đươc tạo nên bởi những bài thơ, cuốn tiểu thuyết mà là 20.000 ngày tẻ nhạt. 

Hôn nhân không giống một kỳ trăng mật tại Thái Lan mà là ngày cuối cùng trong chuyến du lịch lần thứ 56 của hai người. Hôn nhân cũng không giống bữa tiệc liên hoan mừng bạn mua nhà mới mà là bữa ăn lần thứ 4368 trong căn nhà đó. Và chắc hẳn cũng không phải là ngày Valentine. 

Tóm lại, hôn nhân là một chuỗi những ngày bình thường tẻ nhạt của hai người. 

Vậy nên tôi sẽ bỏ những mộng mơ cùng những cái hôn trong mưa và chuyện giường chiếu cho bạn thỏa sức sáng tạo. Rồi bạn sẽ nhận ra sự thật sớm thôi. Còn tôi sẽ cố đưa ra những lời khuyên khiến những ngày hôn nhân tẻ nhạt của bạn hạnh phúc nhất có thể trong bài viết này. 

Có ba chìa khóa dẫn tới 20,000 ngày hạnh phúc cùng nửa kia của bạn:


1. Một người bạn tri kỷ thú vị:

 

Tôi rất thích dành thời gian cho hầu hết bạn bè của mình. Nhưng với một số người, quãng thời gian đó trở nên thú vị hơn bao giờ hết. Đơn giản vì họ đã vượt qua bài kiểm tra “Giao thông” của tôi.

Bài kiểm tra này được hoàn thành khi tôi cùng một người bạn đang lái xe về nhà hoặc tới một địa điểm nào đó và tôi nhận ra quãng đường đi không hề tẻ nhạt hay buồn chán. Đó là bởi vì người đó đã khiến quãng thời gian trở nên thật thú vị. Tôi rất thích ở bên cạnh những người như thế. 

Một người vượt qua bài kiểm tra nhỏ này khi tôi đã hòa vào cuộc trò chuyện và trở nên vui vẻ hơn nhờ có người đó trong cả quãng đường. 

Với tôi, việc tìm được một người vượt qua bài kiểm tra “Giao thông” cũng quan trọng như chọn một người bạn đời vậy. Vì sẽ thật đáng tiếc nếu bạn không dành 95% cuộc đời mình sống với một người vượt qua bài kiểm tra đó (đấy là trong trường hợp bạn tìm được).

Một người bạn vượt qua bài kiểm tra "Giao thông" này cần có:


Sự hài hước: Không ai lại muốn dành 50 năm cuộc đời để giả vờ cười cả, đúng không?

Sự vui vẻ: Những trường hợp có thể nhận biết sự vui vẻ của một người là hoãn chuyến bay, chuyến đi dài và những công việc vặt. Có những nghiên cứu đã cho rằng mức độ vui vẻ của một cặp đôi sẽ quyết định tương lai của họ.

Sự tôn trọng lẫn nhau và cách suy nghĩ của nhau: Người bạn đời là bạn tâm giao về sự nghiệp và cuộc đời nên nếu bạn không tôn trọng ý kiến của người khác, bạn sẽ không muốn kể cho họ về ngày làm việc của bạn hay chia sẻ những gì bạn nghĩ vì bạn chả muốn nghe ý kiến của họ về nó.

Chung những mối quan tâm và sở thích: Nếu không, những điều khiến bạn là chính mình sẽ bị lấn át và cả hai sẽ không tìm được sự vui vẻ với nhau trong một ngày thứ bảy rảnh rỗi.

 

Mối quan hệ với người vượt qua bài kiểm tra “Giao thông” sẽ ngày càng phát triển theo thời gian và sẽ có rất nhiều lĩnh vực để bàn khiến ta không bao giờ bị nhàm chán. 

 


2 Sự thoải mái:

 

Nếu có người bảo bạn hãy ngồi vào một dãy ghế trong vòng 12 tiếng mà không di chuyển, ngoài nghĩ xem vì sao họ lại bắt bạn làm thế, suy nghĩ đầu tiên của bạn sẽ là: “Mình nên ngồi vào vị trí thoải mái nhất” vì bạn biết kể cả những khó chịu nhỏ nhất sau cùng cũng biến thành thứ sẽ tra tấn bạn. Vậy nên khi bạn làm gì đó mất nhiều thời gian, hãy tìm cách để trở nên thực sự thoải mái.

 

Trong hôn nhân, một sự khó chịu nhỏ nhoi nhưng dai dẳng giữa bạn và người còn lại sẽ là cản trở lớn cho hạnh phúc gia đình. Đặc biệt là khi nó lớn dần theo thời gian, như việc bạn chọn một vị trí khó chịu trong dãy ghế trên vậy. Sự thoải mái ở đây còn bao gồm cả cảm giác an toàn, ấm áp, tự nhiên và được thực sự làm chính mình. Để có được điều đó, chúng ta phải kiểm tra một số thứ sau:


 Lòng tin và sự an toàn: Bí mật là thuốc độc cho một mối quan hệ vì nó hình thành một bức tường vô hình ngăn cách hai người. Ai lại muốn dành 50 năm lừa dối hay dấu diếm một điều gì chứ? Rồi điều này sẽ kéo theo sự nghi ngờ, thứ sẽ phá hủy gia đình bạn. Và nhiều người sẽ tìm đến ngoại tình như một cách để phòng thủ.

Tương tác tự nhiên: Ứng xử giữa hai người phải thật tự nhiên và dễ dàng, mức năng lượng và suy nghĩ nhìn chung giống nhau. Khi tôi ở cùng với một người có cách suy nghĩ khác xa so với mình, chẳng mấy chốc mà cả hai sẽ thấy mệt mỏi với đối phương.

Chấp nhận khuyết điểm của người khác: Chẳng có ai là hoàn hảo, cả bạn và người kia cũng thế. Không hoàn hảo là đặc tính của con người. Vậy nên điều tồi tệ nhất là bạn để bản thân bị chỉ trích bởi những khuyết điểm ấy và quở trách vì không thể khắc phục. Tôi không ám chỉ chúng ta không nên khắc phục khuyết điểm, điều tôi muốn nói là trong hôn nhân, tốt nhất là hãy nhìn nhận rằng “Ai cũng có khuyết điểm. Đây là những khuyết điểm của anh ấy/cô ấy mà tôi đã chấp nhận sống cùng”.

Xây dựng mối quan hệ tích cực: Hãy nhớ bạn là một phần của mối quan hệ này. Vì vậy đừng để sự tiêu cực xuất hiện. Nhà nghiên cứu về các mối quan hệ John Gottman đã chỉ ra rằng “Những cặp đôi có tỷ lệ tương tác tích cực trên tiêu cực nhỏ hơn 5 được xác định là sẽ ly dị”.

 

 


3. Xác định trở thành một thành viên tốt trong hôn nhân:

 

Hôn nhân không hề dễ dàng. Mong chờ một cuộc mối quan hệ bền chặt mà không cần gây dựng và vun đắp cũng giống như bạn muốn tạo dựng sự nghiệp mà không cần bỏ công sức vậy. Ngày nay, hầu hết mọi người đều được tự do và sống cuộc sống mà mình muốn nhưng một khi đã xác định đến với hôn nhân, chuyện sẽ hoàn toàn khác.

 

Vậy một người phải có những kỹ năng gì để trở thành một người vợ/chồng tốt?

Kỹ năng giao tiếp: Kỹ năng giao tiếp trong hôn nhân cũng quan trọng như khí oxy để giúp ta sống khỏe mạnh vậy. Do đó, kỹ năng giao tiếp kém sẽ dẫn đến nhiều hệ quả trong hôn nhân. Một nghiên cứu về các cặp đôi đã li dị đã chỉ ra rằng đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến quyết định li hôn. Để duy trì kỹ năng giao tiếp tốt liên tục và lâu dài là điều không dễ. Các vợ chồng thành công trong hôn nhân đã tiết lộ rằng các phương pháp luôn được đổi mới và thay phiên nhau làm chủ trong cuộc trò chuyện là chìa khóa của họ.

Duy trì bình đẳng: Sự bình đẳng rất dễ bị phá vỡ trong một mối quan hệ khi cảm xúc của một thành viên chi phối toàn bộ trạng thái mối quan hệ hay khi ý kiến của một thành viên lúc nào cũng áp chế được người kia hoặc khi một người đối xử với người kia theo cách mà anh ta/cô ta không thể đối đãi với chính mình.

Giải quyết tốt xung đột: Tranh cãi là không thể tránh được. Nhưng giải quyết thế nào mới là quan trọng. Một cặp vợ chồng có hôn nhân hạnh phúc bền lâu thường sẽ giải quyết mâu thuẫn bằng cách giảm căng thẳng giữa hai bên, cố tạo tiếng cười trong cuộc trò chuyện và thực sự lắng nghe đối phương mà không trở nên ích kỷ, phiến diện và bảo thủ. Không những thế, những cặp vợ chồng này có tỷ lệ xung đột ít hơn nhiều so với những cặp không biết cách giải quyết mâu thuẫn. Theo John Gottman, 69% những mâu thuẫn gia đình là về những vấn đề lặp đi lặp lại với những nguyên nhân khác nhau và không thể giải quyết triệt để. Vậy nên, những cặp đôi hiểu được vấn đề này và tránh làm quá vấn đề sẽ có được cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.  

 

Để tìm kiếm người bạn đời tương lai hoặc đánh giá người bạn đời hiện tại của mình, hãy hiểu rằng mối quan hệ nào cũng có khuyết điểm và bạn không thể cùng lúc hoàn thành tốt tất cả các điều mục trên. Nhưng hoàn thành hầu hết chúng là điều nên làm vì mỗi mục đóng một vai trò rất quan trọng trong hôn nhân. 

Mặc dù đây là một danh sách dài những đặc điểm tính cách của một người giúp ta tìm được một người bạn đời lý tưởng, đừng quá đặt nặng vấn đề rằng đối phương phải sở hữu số đặc điểm nhất định. Sẽ thật tốt khi người ấy biết chơi ghi-ta nhưng đó không phải là điều bắt buộc. 

i hi vọng năm nay bạn sẽ trải qua một mùa Valentine tuyệt vời, nhưng hãy nhớ rằng những ngày bình thường quan trọng hơn nhiều nhé. 

----------

c giả: Tim Urban
Dịch giả: Lê Ngọc Anh - ToMo - Learn Something New