CHÚNG TA CỦA SAU NÀY
" Chúng ta của sau này, cái gì cũng có, chỉ là không có nhau..."
Ngày nay năm trước, đang vô tình lướt facebook, tôi chợt thấy một post nhắc tới một bộ phim về thanh xuân rất hay. Bản thân tôi lại thích xem những bộ phim thuộc tuýp chủ đề như vậy, nên sau khi đọc bài viết, tôi đã quyết định xem bộ phim ấy.
Tên phim là "Us - chúng ta của sau này". Bộ phim xoay quanh câu chuyện về Tiểu Hiểu và Kiến Thanh - một đôi bạn trẻ, xuất thân từ những làng quê rất nghèo, họ tình cờ gặp nhau trên chuyến tàu đi tới Bắc Kinh, một thành phố xa hoa mà rất nhiều bạn trẻ mong ước được chinh phục. Họ mang theo trái tim và ước mơ nồng cháy đến thành phố hoa lệ ấy. Tôi vẫn nhớ có một đoạn, cả hai người còn rất ít tiền trong túi, nhưng họ vẫn quyết định bắt taxi để trở về nhà, trên đường trở về, Tiều Hiểu đã thò đầu ra cửa sổ mà hét lên rằng: "Bắc Kinh à, tụi tao sẽ giàu lên nhanh thôi!". Tôi chợt ứa nước mắt, vì tôi thấy mình trong đó, những con người trẻ mang theo rất nhiều hoài bão, và chẳng sợ hãi bất cứ điều gì.
"Năm ấy chúng ta không nhà, không tiền, không công việc, trong đôi tay trắng chỉ có những ước mơ ngông cuồng. Vậy mà không ai trong chúng ta từng sợ bất kì ai - Không nề hà khó khăn nào, không e ngại những gian nguy ngoài đời hiểm ác. Giống như thể chỉ cần có ước mơ, ngày mai sẽ mở ra cho mình thật nhiều cơ hội."
Nhưng mà, cuộc đời rất công bằng với bạn, cuộc đời cho bạn tuổi trẻ, cũng sẽ lấy đi của bạn những thứ khác. Trong phim, Kiến Thanh vì mải mê kiếm tìm những thành công, kiếm tìm vị trí của mình ở thành phố Bắc Kinh lộng lẫy mà đã đánh mất một vị trí quan trọng trong lòng Tiểu Hiểu, đánh mất những bữa cơm ấm áp với người cha nơi quê nhà. Để rồi sau này, khi đã có tất cả, Kiến Thành cũng mãi mãi không có được Tiểu Hiểu, mãi mãi không còn những bữa cơm cùng cha. Thật ra, đối với những người thương yêu ta, dù có đạt đến thành công nào đi chăng nữa, ta cũng sẽ mãi là một Kiến Thanh thích chơi game hay một Tiểu Hiểu thích ăn bánh bao nhân đậu xanh mà thôi.
Khi coi đến đoạn Tiểu Hiểu bước lên chuyến tàu, quyết định rời xa Kiến Thanh mãi mãi. Lúc ấy tôi đã không ngừng nuối tiếc. Giá như Kiến Thanh đuổi theo Tiểu Hiểu. Giá như họ cho nhau một cơ hội. Giá nhau họ không chọn cách rời xa nhau. Giá như và giá như... Quả thật cuộc đời có rất nhiều thứ làm cho ta phải buộc miệng và nói giá như. Nhưng đến cuối cùng, xem đến đoạn Tiểu Hiểu và Kiến Thanh gặp lại sau gần mười năm chia tay, tôi đã chợt hiểu ra mọi thứ...
Kết thúc của câu chuyện, Kiến Thanh hỏi Tiểu Hiểu: Nếu năm đó chúng mình không chia tay, thì bây giờ sẽ như thế nào nhỉ?
Tiểu Hiểu đáp: Bây giờ vẫn sẽ chia tay.
"Nếu chúng mình có con rồi kết hôn thì sao?"
"Có thể anh sẽ không có tiền"
"Nếu anh có tiền sớm thì sao?"
"Vậy thì có thể anh đã có cả chục cô bồ nhí rồi"
Thật ra, điều gì xảy đến cũng đều có lý do của nó. Đôi khi, sự ra đi của một người sẽ mang đến sự trưởng thành cho người khác. Đối với Kiến Thanh, sự ra đi của Tiểu Hiểu chính là như vậy. Tôi nhớ có phân cảnh cha của Kiến Thanh viết thư cho Tiểu Hiểu, trong thư có viết :"Không phụ người là được rồi, chứ không phụ đời thì khó lắm."
Đúng người, đúng thời điểm thì khó. Cái quan trọng là chúng ta dốc lòng khi ở bên nhau, để sau này dù có xa nhau, chúng ta cũng chẳng có gì để nuối tiếc. Đừng trách đúng người sai thời điểm, hãy trách bạn đã không hết lòng trân trọng.
Tới đây, tôi lại nhớ một đoạn trích dẫn, nói thế này:
"Ông già rơm rớm nước mắt. Ông nói, thiên hạ biết bao nhiêu người mà hết đời mình đâu thể gặp, nhưng nếu gặp được, dù chỉ phút chốc thôi, chắc là có duyên với nhau. Duyên trời, nên ông dốc cạn lòng mà thương họ."