Hậu chia tay: Đàn ông im lặng là muốn nói điều gì?

Mối quan hệ kết thúc theo cách mập mờ có thể khiến một cô gái phát điên và mất ngủ nhiều đêm. Nhưng sự thật là, đàn ông im lặng sau khi chia tay là có lý do, đó là cách họ đối mặt với tổn thương. 

Có những ngày em thức dậy với một nỗi băn khoăn nặng nề trong lồng ngực, khi em tưởng rằng mọi việc đều ổn, nhưng thực ra tất cả những gì em có chỉ là một giấc mơ lạc lõng. Những tin nhắn không được trả lời. Có thể anh ấy không nhận được tin nhắn. Có thể có, nhưng em chỉ là một con ngốc và chẳng đáng để được quan tâm? Cũng có thể đơn giản là anh ấy quá bận rộn nên chưa phản hồi. Hay biết đâu anh ấy đang cảm thấy có lỗi vì không có gì để nói?

Cũng không có cuộc gọi nào hết. Anh ấy không thể trò chuyện dù chỉ một chút chỉ để khiến em yên tâm ư? Chuyện gì đã xảy ra với anh vậy? Em đã làm gì đáng phải chịu đựng điều này chứ? Hay em không còn ý nghĩa gì với anh?

Dù là gì đi nữa, đều khiến em chờ đợi nhiều hơn em tưởng. Tất cả kí ức cứ quay mòng mòng trong tâm trí như chiếc vương miện đẹp đẽ được dệt nên từ rất nhiều điều hối tiếc. Đôi khi em bị cuốn vào mê cung của sự thương hại, và đắm chìm, rồi tự hỏi, phải làm gì để sửa chữa hiện tại?

Sự im lặng phá hủy mọi thứ. Không có cách giao tiếp nào gây hiểu lầm ghê gớm như im lặng, và thật khó để hiểu im lặng muốn nói gì.

Có những kết thúc không giống như ta vẫn nghĩ. Đôi khi ta không bao giờ có được những câu trả lời ta hằng tìm kiếm, chúng đâu được bọc sẵn trong một hộp quà nhỏ với chiếc nơ xinh cùng lời nhắn: “Đây là món quà đẹp đẽ của cuộc sống”. Mà đa phần, ta phải tìm ra đáp án theo cách riêng của mình.

Em nghĩ bao nhiêu người dám thừa nhận nỗi sợ của họ? Tất nhiên, ai cũng muốn đối phương cho mình biết sự thật, dù cho nhiều đớn đau đi nữa. Nhưng, điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra đâu. Đàn ông đối mặt với đổ vỡ theo cách riêng của họ, và kết quả của quá trình tự chữa lành đó, là im lặng.

Họ không dành quá nhiều thời gian để mà suy nghĩ về từng giây từng phút em dành cho họ, hay thắc mắc rằng vấn đề nằm ở đâu, cũng chẳng cố xác định chính xác thời điểm họ cảm nhận được khoảng cách giữa hai đứa bắt đầu nứt toạc ra. Thực tế là, đàn ông sẽ chẳng dành nhiều công sức để mà nghĩ về việc chia tay. Trong tâm trí họ là những câu hỏi bao quát hơn: Khoảng cách đã hình thành bằng cách nào? Và đâu là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến chuyện này? Những gã trai chẳng cần biết đáp án nào khác nếu vấn đề không đến từ lỗi của họ. Họ sẽ chẳng níu kéo, vì sẽ chỉ tổn thương nhiều hơn thôi. Họ vẫn giữ im lặng, giữ bản thân trong giới hạn an toàn, và chẳng cần suy nghĩ phức tạp hóa lên làm gì.

Em có thể cảm thấy được an ủi khi trút tâm sự với cô bạn thân, cầu xin lời khuyên về cách đối diện với mọi chuyện, trong khi anh ấy thì hoàn toàn ngược lại. Có thể, gã sẽ thông báo đơn giản vỡi lũ anh em: “Bọn tôi chia tay rồi”, cũng rất có thể sẽ gọi em là con ngốc, và rằng gã không thể tiếp tục được nữa, nhưng thế rồi thôi. Đàn ông thường bỏ qua phương diện chữa lành cảm xúc, thay vào đó, họ uống rượu và nhảy nhót, đi chơi qua đêm, gì cũng được, miễn là có thể để loại bỏ nỗi buồn ra khỏi tâm trí họ. Hậu chia tay, đàn ông khác phụ nữ ở chỗ, họ không cần sự giúp đỡ hay lời khuyên từ những cô bạn thân. Phản ứng duy nhất của họ là im lặng, đó là cách dễ nhất để đối mặt với mớ cảm xúc đang tràn ngập bên trong họ, nếu không, họ chẳng biết phải làm thế nào với chúng cả.

Bởi vậy, để đối mặt, em cần dừng lại và giữ tỉnh táo. Đừng lo lắng về vấn đề của anh ta rồi lại biến chúng thành vấn đề của em. Em phải thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều bất an, và không phải ai trong chúng ta cũng hiểu được nó tác động đến mình như thế nào. Điều tốt nhất em có thể làm, là hãy nghĩ rằng im lặng là một dấu hiệu của vũ trụ về thời điểm mà hai người nên dừng lại, và rằng người xứng đáng ở bên em sẽ không rời bỏ em mà đi như thế. Điều này nghe có vẻ khó chịu và ngu ngốc khi em vừa trải qua tổn thương, nhưng thực sự, không có điều gì xảy ra mà không có ý nghĩa riêng của nó.

Không phải lúc nào ta cũng có được thứ ta muốn, nhưng ta sẽ có được thứ ta cần. Sự thay đổi là không thể tránh khỏi, nó là một việc tốt. Điều gì có ý nghĩa, điều đó sẽ xảy ra.

Thật không may, cuộc sống không phải lúc nào cũng tiếp diễn như cách ta nghĩ, và con người không phải lúc nào cũng như ta mong đợi. Đôi khi em nên dừng lại và đôi khi nên tiếp tục cố gắng. Đôi khi kết thúc trong im lặng là điều em phải học được. Có lẽ ta cần phải học cách công nhận và chấp nhận bản thân. Cứ xem như ai đó là một món quà, họ được đem đến để phản chiếu chính bản thân ta. Vậy, ta cũng học cách biết ơn họ vì đã là một phần trong cuộc hành trình của mình.

 

Để chữa lành vết thương, em cần phải ngưng chạm vào vết thương đó.

 

Hãy ngưng nhìn lại, đó là cách duy nhất để tiến lên phía trước. Quá khứ làm ta nghẹt thở vì ta phải dành tất cả năng lượng để tái hiện lại những gì đã qua, và chỉ có chính bản thân mới biết mọi chuyện đã kết thúc như thế nào. Quá khứ là những câu chuyện, nhưng cũng chỉ còn là những kỉ niệm. Thừa nhận sự tồn tại của tất cả những buồn-vui-tốt-xấu đã xảy ra, nhưng hãy để nó ở yên nơi nó vốn thuộc về - quá khứ. Đừng để nó ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại, cũng đừng cho phép nó là nguyên nhân em bỏ lỡ điều gì đó tốt đẹp hoặc một người đủ xứng đáng đồng hành cùng em và khiến cuộc sống của em trở nên tuyệt vời. Không ai có khả năng chữa lành cho em, nhưng họ có thể giúp em hiểu tại sao con người nên tiến đến bên nhau. Nói lời tạm biệt với những hối tiếc, chúng ta ở đây là vì những gì ta đã chọn, bất kể lựa chọn đó đã dẫn đến kết quả nào đi nữa. Ngưng băn khoăn và hãy thực sống, vì nếu đời là hữu hạn, em đừng để thời gian trôi trong niềm thương tiếc vì những điều không thể thay đổi.

Có lẽ vẫn còn những ngày mà kí ức đau buồn len lỏi đâu đó trong tâm trí, xin em nhớ lấy rằng:

Tất cả những gì đã xảy ra có ý nghĩa hay không, là do em quyết định.

Khánh Huyền.