Khổ Dâm: Một Cái Nhìn Không-Né-Tránh

Một trong những điều gây bất ngờ nhưng lại hữu ích mà ta có thể khám phá về bản thân là chúng ta có thể, và có lẽ vẫn luôn, là những người khổ dâm – một ý tưởng còn nhiều tranh cãi nhưng đồng thời lại có thể rất hữu ích.

 

Khái niệm “khổ dâm” (masochist) xuất phát từ thế kỉ 19, lấy cảm hứng từ tên của một nhà quý tộc, nhà văn người Áo Leopold von Sacher-Masoch, dù việc này khá bất công đối với ông và gia đình của mình. Khi còn trẻ, Leopold đã có cuộc hôn nhân truyền thống với một tiểu thư quý tộc, Aurora von Rümelin, nhưng ông nhanh chóng phát hiện ra rằng mối quan hệ này không có cách nào thỏa mãn sở thích tình dục của mình.  

 

Một ngày nọ, một người hâm mộ của ông - Nam tước Phu nhân Fanny Pistor, liên hệ ông với lý do giả mạo là giúp cô phát triển phong cách viết văn. Và từ đó, ông đã khám phá ra một khía cạnh hoàn toàn mới trong đời sống tình dục của mình. Ông khao khát nhìn thấy Fanny trong chiếc áo lông thú vương giả, trở thành chủ nhân của ông, đánh ông bằng roi và đối xử với ông một cách kiêu căng, tàn nhẫn. Ông muốn Fanny gọi mình là “Gregor”, một cái tên phổ biến dùng để gọi người hầu thời bấy giờ. Và khi họ đi du lịch cùng nhau, mặc dù giàu có hơn cô rất nhiều, ông vẫn muốn cô ép mình phải ngồi ở ghế hạng ba, trong khi cô ngồi ghế hạng nhất.

 

Khuynh hướng này của Leopold được ông ngụy trang khéo léo và thuật lại trong cuốn tiểu thuyết “Thần Vệ Nữ trong chiếc áo lông”, khiến cho vị bác sĩ tâm thần người Áo Richard von Krafft-Ebing cảm thấy hứng thú. Bất chấp sự phản đối của gia đình Leopold, Richard đã đề cập đến chúng trong cuốn sách yếu lược mang tên “Tâm bệnh học tình dục”, xuất bản năm 1890, đánh dấu một cột mốc lịch sử, giới thiệu với cả thế giới khái niệm “khổ dâm”: một người bị kích thích tình dục khi phải chịu đựng nỗi đau.

 

Thời nay, chúng ta hiểu “người khổ dâm” là một người nào đó muốn được gọi bằng những từ ngữ thô thiển, với mái tóc bị giật ngược và làn da đầy vết trầy xước, phải tự gọi bản thân bằng những từ ngữ xúc phạm và nhục nhã (mặc dù, phải nhấn mạnh rằng chúng diễn ra với sự đồng thuận rõ ràng – nếu không thì sẽ chỉ đơn thuần là lạm dụng tình dục). Điều bí ẩn ở đây là vì sao họ lại thấy những điều này thật gợi tình và đôi lúc rất cần thiết? – Tâm lý trị liệu đã đưa ra một câu trả lời có ảnh hưởng rất lớn.

 

Đối với người khổ dâm, việc bị đối xử tàn bạo trên giường ngủ, đầu tiên và trên hết, chính là một loại cảm giác được giải thoát – một sự giải thoát khỏi cảm giác xa lánh và thiếu chân thật trong tình cảm mà họ cảm nhận qua những hành động đối đãi tử tế, tôn trọng.

 

Ở một mức độ kết nối sâu sắc và rõ ràng nào đó mà họ đang khao khát, người khổ dâm có xu hướng không nghĩ nhiều cho bản thân và nghi ngờ mãnh liệt về tính cách và bản chất của chính mình. Họ tin rằng bản thân xấu xa và nhơ nhuốc, vậy nên chẳng xứng đáng được nâng niu, được nghe những lời ngọt ngào dịu dàng. Nếu người nào đó cứ khăng khăng muốn nâng niu họ, họ sẽ cảm thấy không được nhìn nhận và thấu hiểu. Mọi thứ chỉ bắt đầu chân thực và thú vị khi đối phương phát hiện ra bí mật sâu thẳm bên trong: rằng họ (ít nhất là vào khoảnh khắc đó, theo một cách nào đó) là một kẻ đáng bị trừng phạt nặng nề.

 

Mặc dù hiện tượng khổ dâm bắt nguồn từ tình dục, và vẫn duy trì mối liên hệ toàn vẹn giữa nó với hoạt động tính dục này của con người, nó còn tồn tại mạnh mẽ không kém trong cả khía cạnh tình cảm. Thực ra, có lẽ số người có xu hướng khổ dâm về mặt cảm xúc còn nhiều hơn số người có xu hướng khổ dâm trong tình dục – và chắc hẳn nhiều người trong chúng ta còn chưa nhận thức được về khuynh hướng này của bản thân. Cũng giống như khổ dâm tình dục, khổ dâm tình cảm cũng bắt nguồn từ sự ngờ vực bản thân. Những người khổ dâm tình cảm không cảm thấy bản thân đáng được người khác yêu thương, trân trọng và đối xử tốt. Một phần mạnh mẽ trong họ nói rằng họ chẳng hơn gì đồ bỏ đi. Nếu một ai đó xuất hiện trong đời họ và phản bác điều đó, nếu ai đó tôn kính và ngợi khen, tâng bốc và vuốt ve họ thì những người khổ dâm tình cảm, như một bản năng, sẽ cảm thấy cổ họng như bị nghẹn bởi sự ghê tởm đối với người đó, bởi dường như người đó chẳng hiểu gì về họ cả - trong mắt họ, người đó như một kẻ đòi hỏi và quá si mê. Bởi dù gì thì, làm thế nào mà một ai đó lại có thể nghĩ tốt về họ hơn chính bản thân họ cơ chứ? Thay vào đó, những người khổ dâm tình cảm sẽ bị cuốn lấy bởi những người đối đãi với họ theo cách phù hợp với những gì mà họ tự đánh giá bản thân: những người đối xử với họ một cách mỉa mai, dối trá và lạnh nhạt.

 

 Ai cũng có thể rơi vào một mối quan hệ với một kẻ không xứng đáng, những người bình thường khỏe mạnh nhất trong số chúng ta cũng rơi vào cảnh đấy suốt; nhưng với một người khổ dâm, họ chẳng thể thoát ra khỏi sự ràng buộc nghiệt ngã này. Họ chẳng thể sống thiếu kẻ luôn giày vò cuộc sống của họ.

 

Sau cùng thì điểm khác biệt giữa khổ dâm tình dục và khổ dâm tình cảm đó là: người khổ dâm tình dục biết rõ họ là ai. Để thoát khỏi cái bóng của khổ dâm tình cảm, điều quan trọng là hãy bắt đầu hình dung mọi thứ thật rạch ròi; hãy nhìn nhận rõ – và có lẽ là lần đầu bạn nhận ra – rằng đâu là cách một người bắt đầu tự hủy hoại bản thân, và trong vô thức, tự giam giữ bản thân trong sự thất vọng và cô độc. Làm như thế cũng là để thấy rằng, nguyên nhân của vấn đề, từ trước tới nay, vẫn thường bắt nguồn từ khi một người còn rất nhỏ, chịu ảnh hưởng từ cách cư xử của phụ huynh - bên cạnh tình yêu còn có sự bỏ bê, tàn nhẫn hoặc bạo lực. Điều này khiến cho trẻ nhỏ tin rằng số phận của chúng đã được xếp đặt, không phải ở hạnh phúc, mà ở những cam chịu, khổ đau.

 

Sự khác biệt có liên quan nhất giữa khổ dâm tình dục và khổ dâm cảm xúc đó là: khổ dâm tình dục, trong một vài trường hợp sẽ mang lại nhiều sự khoái lạc; trong khi những gì mà khổ dâm tình cảm mang lại chẳng là gì hơn ngoài địa ngục đắng cay.

 

Chúng ta có trách nhiệm với chính mình trong việc bắt đầu nhận ra những cách thức mà ta đã dùng để chèn ép bản thân trong suốt thời gian qua, không phải bằng những sở thích tình dục kỳ lạ hay bất cứ nhu cầu thầm kín nào, chỉ bởi vì ta đã bị quá khứ gieo rắc một cách bất công vào đầu một niềm tin rằng ta đáng phải chịu đựng một cuộc sống đau khổ.

 

[A Crazy Mind là một tổ chức cộng đồng hợp tác với YBOX - Kênh Thông Tin Chất Lượng Cao Của Giới Trẻ & Sinh Viên Việt Nam nhằm nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng. Với sứ mệnh này, chúng tôi cung cấp cho bạn đọc những đa dạng chủ đề về tâm lý học giúp cho việc nhận thức về sức khỏe tinh thần trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết]

 

Dịch: Anne

Biên tập: Lyo Kiu

Minh họa: xiaopingguo

Nguồn:  https://www.theschooloflife.com