Không ai là của ai mãi mãi
Sẽ có lúc bạn phải chấp nhận rằng, không ai là cả thế giới của ai, cuộc sống của bạn, không thể nào chỉ xoay quanh một người duy nhất, và người ta cũng vậy.
Thế giới trong mắt của một cô bé hồi xưa thật đơn giản và bé nhỏ. Tôi từng nghĩ rằng mình đã được nghe tất cả các bài hát trên cuộc đời này, đã được nếm thử mọi món ăn có trên thế giới, mọi ca sĩ trên hành tinh này tôi đều biết đến, em búp bê của tôi là đẹp nhất,…. Và tôi đối với bố mẹ là duy nhất.
Nhưng mọi chuyện đã khác vào cái ngày mẹ sinh em, bố tất bật đi sắm sửa đồ đạc mới để chuẩn bị chào đón thành viên mới của gia đình, còn tôi được gửi sang nhà bà ngoại để bà chăm sóc. Từ khi em bé chào đời, mọi sự quan tâm được dồn vào nó chứ không phải tôi. Mọi thứ của tôi đều phải chia cho em một nửa, tôi phải học cách chăm em và nhường nhịn. Đó cũng chính là lần đầu tiên trong đời tôi ý thức được rằng: tôi, không phải là duy nhất.
Khi lên cấp 3, tôi và những người bạn hồi cấp 2 cũng bắt đầu ít liên lạc hơn, rồi cứ như có một lực đẩy vô hình nào đó của những điều mới mẻ đã khiến chúng tôi dần dần cách xa nhau. Cô bạn thân của tôi – người mà tôi đã từng nghĩ là sẽ đồng hành cùng tôi đến suốt mãi sau này, cũng đã có bạn thân mới. Tôi đã buồn và hụt hẫng rất nhiều, cứ như mình vừa đánh cắp một thứ gì đó quý giá mà bản thân vô cùng trân trọng.
Không chỉ là cô bạn thân, những người bạn khác trong tập thể lớp tôi cũng đã thay đổi, dần quen với môi trường mới, những con người mới. Chúng tôi vô tình gặp nhau trên đường mà lướt qua nhau vội vã không một lời chào, cảm giác như chưa từng thân thiết. Đó là lần thứ hai tôi học được rằng ai cũng có một thế giới riêng, những mối quan hệ riêng, dẫu có thân nhau đến mấy, yêu nhau đến mấy thì người này cũng chẳng thể là cả thế giới của người kia được.
Gia đình tôi xảy ra biến cố khi tôi học lớp 11. Ba được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn III. Ba tôi gác lại mọi công việc còn dang dở ở cơ quan để lên Hà Nội điều trị. Mẹ và chị theo ba lên Bệnh viện Ung Bướu để chăm sóc, còn tôi và em thì ở nhà một mình. Sau 3 tháng điều trị ròng rã, mẹ thì khóc cạn nước mắt, ba được người ta trả về. Đó chắc hẳn là một hành trình dài nhất trong cuộc đời của ba mẹ, là chuyến đi mà ngày trở lại người ra đi đã đánh rơi một nửa thể xác và tâm hồn.
Tôi đã thực sự không còn có thể nhận ra đó chính là ba nếu ba không bỏ chiếc kính râm và khẩu trang trên mặt. Giờ đây, một hình hài nhỏ bé ngồi thu lại trên chiếc giường, ba đã bị khối u tàn phá hết gương mặt. Ba về được vài ngày thì mất. Đó là quãng thời gian tôi chưa bao giờ có thể quên được trong cuộc đời, những mảnh ký ức nguyên vẹn nhắc lại cho tôi nhớ rằng sẽ chẳng ai có thể ở bên ta mãi mãi.
Sau khi ba mất, tôi đã hiểu được rằng có những cuộc chia ly dù nhiều nước mắt nhưng ta vẫn phải chấp nhận. Có những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của lý trí và sự điều khiển của con người, mọi thứ đều có thể thay thế.
Học cách sống cùng mất mát, bình tĩnh và chấp nhận những cuộc chia ly như là một lẽ thường tình trong cuộc đời là điều mà tôi nhận ra được sau khoảng trống của những mối quan hệ.
Chấp nhận rằng bạn bè dù có thân thiết đến đâu thì ai cũng phải có con đường riêng, những mối quan hệ riêng, sẽ chẳng ai là của riêng ai mãi mãi. Ba mẹ dù có là người duy nhất và thiêng liêng nhất, họ cũng không thể đồng hành cùng ta đi suốt cuộc đời. Hãy luôn chuẩn bị sẵn tâm lý cho những cuộc chia ly vội vàng vì “sinh – lão – bệnh – tử” là lẽ thường trong cuộc đời.
Chỉ cần trân quý hiện tại, giữ gìn những điều quan trọng và sống thật hạnh phúc thì dù ngày mai có là giông tố ta cũng không nề hà.
Như Quỳnh