Nếu anh trả tiền hết 3 bát phở, em sẽ nấu phở cả đời cho anh ăn
Đàn ông đối xử với phụ nữ ra sao, họ sẽ đối đáp lại y hệt, thậm chí là hơn cả thế. Không quan trọng là anh nhiều tiền hay ít tiền, quan trọng là anh vì người mình thương mà tiêu tiền ra sao.
Câu chuyện tình phí với 3 bát phở những ngày qua vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Anh chàng nhân vật chính trong màn tranh cãi đó vẫn liên tục đưa ra những phát ngôn khẳng định quan điểm của mình như: “Tại sao anh phải trả hết?”, “Hãy cho anh lý do phải ga lăng với em”, “Sao em không cho đi trước mà bắt anh phải cho đi?”, “Là tôi bủn xỉn hay bạn ngu ngốc?”… Còn cô gái thì tuyên bố: “Đàn ông keo kiệt với bạn gái thì muôn đời ế”.
Có vẻ như vấn đề này sẽ chẳng bao giờ có điểm dừng với cả hai nhân vật chính lẫn cả cộng đồng mạng. Câu chuyện này đâu chỉ của riêng ai, hầu hết các cặp đôi đều vướng phải. Tình phí, nghe thì đơn giản nhưng phức tạp vô cùng. Ai sẽ là người trả tiền mỗi khi đi chơi? Đàn ông nên trả hết hay “campuchia” đây?
Tình phí nghe thì đơn giản nhưng phức tạp vô cùng. Ảnh minh họa.
Trước khi trả lời câu hỏi đó, hãy thử bàn xem phụ nữ nghĩ gì về vấn đề tình phí nhé. Nhiều người cho rằng vì phụ nữ là phái yếu, luôn thích che chở và chiều chuộng nên việc trả tiền nghiễm nhiên dành cho đàn ông. Điều đó không sai nhưng chưa đủ. Còn phải xem người đàn ông có kinh tế như thế nào. Nếu anh ta dư dả thì chẳng sao, còn nếu mà khó khăn thì việc đó là gánh nặng thật sự.
Mà nói thật, không phải lúc nào các chị em cũng muốn đối phương trả tiền đâu. Chẳng hạn nếu yêu nhau thời sinh viên, mới ra trường. Khi ấy cả hai người đều không có nhiều tiền, đôi khi còn chạy ăn từng bữa thì lấy đâu ra mà trả hết? Dám chắc rằng những cô gái chấp nhận yêu một người đàn ông trẻ, chưa có gì trong tay đều hiểu điều này. Họ cũng chẳng đành lòng nhìn bạn trai dốc cạn ví cho mỗi bữa ăn của hai người. Thay vào đó, họ sẽ rủ đối phương đi ăn những món đơn giản, rẻ tiền hơn. Người ta nói không quan trọng là đi đâu, mà là đi với ai, điều này không sai chút nào. Nhiều nàng tinh ý thì đề nghị chia tiền với anh ấy, miễn làm sao cuộc hẹn vui vẻ là được.
Phụ nữ đâu có keo kiệt và phụ thuộc vào đàn ông như các anh nghĩ. Họ khi yêu cũng biết nghĩ cho đối phương rất nhiều. Cô chị tôi kể lại hồi sinh viên yêu một anh chàng bằng tuổi, lâu lâu hai đứa mới dám đi ăn ngon, còn lại là ăn vỉa hè, dạo phố. Cũng từ khi có người yêu mà bạn trai chị ấy bắt đầu kiếm việc làm thêm để có thêm tiền.
Với anh, mục đích kiếm tiền khi đó thực ra rất đơn giản, chỉ để có thể cho bạn gái ăn ngon. Còn chị, hiểu nỗi khổ của anh nên cũng không vòi vĩnh gì, họ không “campuchia” nhưng lại chia nhau ra trả tiền. Chẳng hạn anh mời ăn thì chị sẽ mời nước. Chị nói: “Đã yêu nhau thì so đo thiệt hơn về tiền bạc làm gì? Giữ tiền cho anh ấy cũng là giữ cho mình sau này”. Và cuối cùng họ cũng đến với nhau bằng một đám cưới. Nhớ lại quãng thời gian ‘nghèo rớt mồng tơi’ đó, chị vẫn thầm cảm ơn nó. Vì nhờ vậy mới hiểu rằng người đàn ông đó có thể vì muốn mình được sống thoải mái mà cố gắng vươn lên.
Đã yêu nhau thì so đo thiệt hơn về tiền bạc làm gì? Ảnh minh họa.
Lại nói về kiểu đàn ông kiếm được nhiều tiền nhưng vẫn muốn chi li từng đồng khi hẹn hò với bạn gái. Thực tế đàn ông như vậy rất khó yêu, vì lúc nào cũng sợ bị thiệt thòi. Tình cảm cũng phải xem lại, vì chẳng có người đàn ông nào yêu tha thiết lại đi tiếc một đồng với người mình yêu. Tiền bạc suy cho cùng cũng chỉ là vật ngoài thân, tiêu hết vẫn có thể kiếm lại được. Chỉ có tình cảm là thứ cần vun đắp hàng ngày, người không muốn tiêu tiền cho mình liệu có đúng là yêu mình? Keo kiệt ở đàn ông là dấu hiệu của việc không thật lòng. Hôm nay anh ta tiếc tiền với bạn gái, ngày mai anh ta cũng có thể bỏ mặc cô ấy vì tiền. Bát phở thực ra cũng chỉ là tượng trưng mà thôi. Quan trọng vẫn là đàn ông tiêu tiền thế nào cho người mình yêu.
Tiền bạc được xem là tiếng nói của đàn ông ngoài xã hội. Nhiều anh đưa bạn gái đi chơi mà không trả tiền còn thấy hơi “quê quê” vì sợ mang tiếng nam nhi đại trượng phu mà không lo nổi bữa ăn cho người mình yêu. Không sai khi nói bộ mặt của đàn ông cũng nằm ở cách họ tiêu tiền. Vì thế mà chị em phụ nữ tinh ý khi đi ăn dù muốn trả tiền cũng sẽ lén nhét vào ví cho bạn trai rồi bảo anh ấy thanh toán. Đó gọi là giữ thể diện cho nhau. Đàn ông thấy đấy, phụ nữ không phải thiết tha gì một hai bát phở mà bắt các anh trả. Họ là đang giữ thể diện cho anh thôi.
Phụ nữ không đòi hỏi đàn ông trả tiền, cái họ cần là sự tự giác. Họ nghĩ rằng đàn ông mà tiếc với mình 1 xu khi yêu thì sau này có cưới về cũng sẽ là dạng đo lọ nước mắm, đếm củ hành khô. Mà kiểu người chi li như thế dĩ nhiên các nàng chẳng thích chút nào. Phụ nữ không bao giờ để đàn ông chịu thiệt nếu các anh đối tốt với họ. Anh trả tiền cho họ một bát phở, họ bằng lòng nấu phở cả đời cho anh ăn. Chỉ đơn giản vì họ thấy mình được trân trọng và có thể tin tưởng anh. Đến khi lấy nhau rồi thì tiền anh hay tiền em cũng là để lo cho gia đình. Anh kiếm được 10 thì cô ấy cũng sẽ chắt góp, giữ lại 5 phần để lo cho tương lai chứ có phải cầm hết đi ăn đâu.
Đàn ông trả tiền ba bát phở, phụ nữ bằng lòng nấu phở cả đời cho anh ăn. Ảnh minh họa.
Tình phí thực ra chỉ là một khái niệm do mỗi người cảm nhận. Cũng từng đấy tiền bỏ ra cho bạn gái, có anh thấy xứng đáng, có anh lại không. Nhiều người đàn ông cảm thấy vui khi được tiêu tiền cho bạn gái, chăm lo cho cô ấy. Nhưng cũng có người cảm thấy không đáng, họ nghĩ tiền ai người nấy tiêu, yêu nhau là đồng điệu về cảm xúc chứ đâu phải tiền bạc.
Không bên nào sai cả, chỉ là trong tình yêu mà tính toán quá cũng chẳng hay. Suy cho cùng, tình phí vẫn là chuyện của hai người trong cuộc, chỉ có họ mới biết thế nào tốt nhất mà thôi. Hãy thống nhất với nhau từ đầu, làm sao cảm thấy thoải mái và vui vẻ nhất là được. Tiền bạc là vấn đề nhạy cảm nhưng không thể thiếu trong tình yêu, tốt nhất cứ thẳng thắn với nhau thì mới mong bền lâu được.
Nguồn: Pose.vn