Sự sôi nổi nhạt dần
Có một hiện tượng rất phổ biến mà trước đây, bản thân mình cũng đã từng trải qua vô cùng nhiều lần. Bây giờ cũng thế, mình vẫn thấy nó đôi khi xuất hiện. Chỉ khác là mình đã biết cách kiểm soát nó tốt hơn trước.
Đại loại mình sẽ kể cho các bạn nghe 3 câu chuyện mà mình đã chứng kiến và được nghe nhiều nhất nhé. (May mắn là mình chưa trải qua cái số 2 và số 3, còn cái số 1 thì có chút xíu nhưng sau một thời gian thì hết rồi. Hihi. Giờ mình vẫn trung thành với chiếc iPhone và còn coi nó là người bạn đồng hành không thể thiếu
Câu chuyện thứ nhất
Khi bạn được tặng một chiếc iPhone 10 hoặc dành dụm đủ tiền để mua nó, thời gian đầu bạn cảm thấy sung sướng tột độ. Bạn giữ gìn, lau chùi nó sạch sẽ không để một tí bụi vướng vào. Bạn dành hàng giờ, cả đêm lẫn ngày để khám phá xem chiếc iPhone này có điều gì mới lạ. Bạn tải hết ứng dụng này đến ứng dụng khác để làm mới cho smartphone của mình. Bạn thậm chí còn mua cả ốp lưng mới, túi đựng điện thoại mới hoặc tân trang lại tủ quần áo để cho tông xuỵt tông với chiếc điện thoại sành điệu.
Nhưng chỉ một thời gian sau, vài tháng có khi vài tuần sau, bạn cảm thấy nó cũng bình thường như bao chiếc smartphone khác. Bạn không còn hứng thú với iPhone 10 nữa. Bạn để nó bị bụi bẩn bám vào, bạn đánh rơi nó xuống sàn nhà và dù nó bị xước nhưng bạn vẫn thấy chẳng làm sao cả.
Câu chuyện thứ hai
Bạn thấy bạn bè dạo này nhiều người đi tập zumba. Bạn lên mạng xã hội thấy bao nhiêu bài viết chia sẻ họ đi tập zumba vui như thế nào, ăn mặc ra sao rồi cơ thể họ đẹp lên rõ rệt. Bạn lên YouTube tìm các video về nhảy zumba và thấy nó thú vị thật. Bạn nghĩ bụng mình cũng nên thử và ngay lập tức đăng ký một khóa zumba học trong 2 tháng.
Bạn dành cả buổi chiều đi mua đồ tập, vui sướng với viễn cảnh sau 2 tháng, cơ thể bạn sẽ đẹp đẽ, cân đối lên biết bao nhiêu. Bạn ăn uống cũng chỉnh chu hơn vì nghĩ rằng đã đi tập thì cần bổ sung đủ dưỡng chất để phát huy kết quả. Ngày hôm sau, bạn xin phép sếp nghỉ làm sớm để đến trung tâm đúng giờ sẵn sàng cho buổi tập đầu tiên. Bạn tập hăng lắm. Bạn còn chụp ảnh đăng lên Facebook chia sẻ ngày đầu đi nhảy zumba như thế nào và còn đưa ra một tuyên bố học xong khóa này sẽ đăng ký thêm khóa nữa. Bạn khích lệ những người khác đi học và lúc nào hình ảnh của bạn cũng tươi cười rạng rỡ.
Thế nhưng, chỉ sau 3 buổi tập đầu tiên, tinh thần đó nhạt dần. Bạn cảm thấy mệt mỏi vì mỗi chiều tối lại vội vã rời công ty để đến trung tâm. Tắc đường, mồ hôi nhễ nhại, bụng đói cồn cào, bạn chẳng còn hơi sức mà đi tập nữa. Bạn không hiểu vì sao những người khác lại kiên trì như vậy, còn bạn thì không thể. Bạn chia sẻ với người bạn thân và người bạn ấy bảo với bạn một môn tập mới: yoga – nhẹ nhàng, không mất sức, vừa khỏe lại vừa thanh lọc tâm hồn. Bạn vui vẻ trở lại và biết chắc yoga mới là thứ hợp với bạn.
Câu chuyện thứ ba
Bạn vừa có người yêu. Hạnh phúc lắm vì có người quan tâm tối ngày. Điện thoại lúc nào cũng tinh tinh với những tin nhắn dễ thương khiến bạn lúc nào cũng yêu đời. Mỗi lần hẹn hò, hai người lại kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện, cảm tưởng như mỗi ngày 24 giờ không thể đủ. Lúc nào cũng muốn ở cạnh nhau, gặp nhau, không muốn rời nửa bước. Tình yêu thật đẹp biết bao.
Thế rồi được một thời gian, cả hai người bắt đầu có sự thay đổi. Vẫn yêu nhau nhưng sự nồng nàn không còn rõ rệt như trước. Bạn không còn hào hứng như thời mới yêu nữa. Thay vào đó là nỗi lo công việc rồi tụ tập bạn bè. Bạn cũng dần để ý nhiều hơn tới những điểm chưa hoàn hảo của đối phương, và bất kỳ một lỗi nhỏ nào của người ấy cũng làm bạn suy nghĩ.
Đây là 3 tình huống mà mình (và có lẽ cả bạn nữa) đã gặp rất nhiều. Có lẽ bạn cũng đã từng trải qua và vì nhiều lần quá nên bạn cảm thấy bình thường. Sự sôi nổi nhạt dần như là một hiện tượng tự nhiên của con người và cuộc sống.
Tuần vừa rồi mình có đọc được một bài viết rất hay của cô Kris Gage trên Medium. Mình sẽ lược dịch cho bạn với hy vọng bạn sẽ có một góc nhìn tích cực hơn và biết cách kiểm soát sự sôi nổi của mình để mỗi ngày luôn là một niềm vui nhé.
——
Bài học số 1: Hiểu rõ về vòng xoáy khoái lạc (hedonic treadmill)
“Sự sôi nổi nhạt dần” là bản chất của con người. Chúng ta quá khăng khăng hành động theo bản chất đó và nhìn thế giới theo cách đến nỗi mà một thuật ngữ đã được hình thành: vòng xoáy khoái lạc (hedonic treadmill hay hedonic adaptation).
Một xu hướng được quan sát thấy ở con người, cụ thể, nhanh chóng trở về một mức độ hạnh phúc tương đối ổn định, mặc cho những sự kiện tích cực (hoặc tiêu cực) lớn hay các thay đổi của cuộc sống xảy ra.
Đây thực sự là cách mà bộ não hoạt động. Chúng ta tiếp nhận thông tin, chúng ta hào hứng với nó (hoặc lo lắng, nếu sự kiện không như ý muốn), chúng ta cực kỳ sôi nổi với nó, và sau đó chúng ta quay trở về trạng thái ban đầu. Chúng ta rất phi lý trí, không hoàn hảo và ngớ ngẩn.
Đây là những gì chúng ta sẽ làm, không chỉ với những điều tồi tệ mà còn với cả những điều tốt đẹp. Thế nên, tốt nhất là hãy chấp nhận rằng mình có thể làm như vậy và cố gắng vượt qua.
Bài học số 2: Cách sửa chữa không phải là cứ tiếp tục “theo đuổi”
Đây là thông điệp thực sự đằng sau khái niệm vòng xoáy khoái lạc. Bởi vì, rủi ro không phải nằm ở thực tế chúng ta dần thích khi với vòng xoáy đó (dù sao đi nữa thì cũng sẽ ổn mà). Rủi ro là nằm ở chúng ta không chấp nhận bản chất này của con người và cố gắng “giải quyết” nó bằng cách tiếp tục nuôi dưỡng nó và theo đuổi nó bất chấp tất cả.
Chìa khóa để vượt qua là ngược lại: hãy tránh xa vòng xoáy đó, không tiếp nhận thêm thông tin khiến bạn mất dần sự nồng nhiệt của mình. Đừng cố gắng kéo nó về phía bạn một cách miễn cưỡng và kỳ vọng thật nhiều. Cách tốt nhất để trân trọng một thứ là phủ nhận rằng bạn đang có nó.
Càng xa càng nhớ.
Nếu bạn cảm thấy như thể tất cả nguồn năng lượng dành cho một thứ bạn thích đã gần hết thì đừng cố gắng nạp thêm năng lượng cho nó (hoặc đừng cố gắng vắt kiệt bản thân và dồn sức cho nó để rồi một ngày, bạn cảm thấy như mình thở hổn hển tới mức gần như sắp bị phá hủy, nài nỉ sự đầu hàng). Bạn không thể khám phá mọi ngách của thứ đó và kỳ vọng rồi bạn sẽ nhìn thấy một chút gì đó “tươi sáng”. Kỳ vọng này không hề công bằng. Nó giống như việc bạn giải được một câu đố và rồi ngày hôm sau khi chơi lại trò chơi, bạn cảm thấy nhàm chán khi nghĩ rằng chẳng có bí mật nào hay ho được tiết lộ cả.
Hãy tránh xa khỏi nó. Hãy để nó bình lặng trở lại và dành cho bản thân bạn thời gian và không gian tiếp cận với một thứ mới mẻ.
Bài học số 3: Hãy dừng kỳ vọng thứ sẽ trở thành “mọi thứ” của bạn
Hãy để mọi thứ theo đúng hiện trạng của nó.
Một số người thường đòi hỏi quá nhiều từ người yêu, vợ/chồng, bạn bè, những người thân của họ. Chính việc này đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng.
Đừng mong đợi người khác sẽ thỏa mãn tất cả những yêu cầu của bạn vì sự thật là họ không thể. Đặc biệt là khi những nhu cầu đó lại trái ngược với những nhu cầu của họ.
Bạn muốn vui vẻ, hào hứng, sôi nổi, nồng nàn…? Được thôi. Nhưng bạn cũng phải công bằng nếu như bạn muốn niềm vui sướng đó được giữ mãi. Hãy công bằng với những nhu cầu của mọi người và của chính bạn.
Bạn không thể nào ăn cùng một món ăn giống nhau mỗi ngày trong hàng tháng trời liên tục để rồi đến ngày thứ 92 lại cảm thấy khó chịu và nghĩ, “Ồ, món này có gì mới đâu?”. Công bằng lên chứ?
Đối tác của bạn chỉ là con người. Bạn cũng chỉ là con người. Họ không thể và không phải là thứ gì đó mà có thể dễ thay đổi để thỏa mãn những ý muốn của chúng ta được.
Bài học số 4: Hiểu rõ vai trò của những thứ quanh bạn
Tôi đã lái xe máy khoảng 6 năm. Khi lần đầu tiên có xe đạp, tôi đạp nó hàng giờ mỗi tuần và cùng nó ra ngoài sau mỗi giờ làm việc (tôi đạp xe đến văn phòng, nhưng vẫn tạt qua studio nhỏ của tôi, đặt đồ xuống, thay quần áo, và đi ra ngoài cho tới khi đêm xuống). Tôi không dừng đạp xe vào mỗi cuối tuần. Chúng tôi ở bên nhau như thể không thể tách rời được, từ sáng sớm cho đến chạng vạng.
Thời gian đó, bạn của tôi (một người không đi xe đạp) nói với tôi thế này, “Cậu sẽ phải dừng đi xe đạp thôi. Cậu sẽ không đạp xe nhiều nữa.”
Một mặt, anh ta đúng: tôi không đạp xe mỗi một phút giây rảnh rỗi như tôi đã từng.
Nhưng anh ta cũng đã sai vì mỗi một khoảnh khắc tôi đạp xe, tôi vẫn mang đến cho bản thân nhiều niềm vui giống những tháng đầu tiên trước đó. Có lẽ còn nhiều hơn.
Mấu chốt là: tôi không kỳ vọng chiếc xe đạp là mọi thứ. Tôi không kỳ vọng nó trở thành một chiếc xe hơi nhỏ. Tôi không khó chịu khi tôi đạp xe và bị ướt dưới trời mưa, bị cảm lạnh hay mồ hôi nhễ nhại dưới trời nắng gắt. Tôi không kỳ vọng nó sẽ cho tôi ăn hay cho tôi mặc. Tôi không kỳ vọng nó sẽ là bạn trai hay thậm chí chỉ là bạn của tôi (tôi hiểu rằng nó không phải là một vật thể có tri giác – nó chỉ là một cỗ máy với khả năng giới hạn, phần lớn được xác định bởi thiết kế của nó và sự tôn trọng của tôi dành cho nó).
Không phải tất cả mọi thứ trong cuộc đời bạn đều có thể ở đây để làm bạn vui hay đều dành cho bạn.
Bài học số 5: Bạn đang “thiếu” điều gì – cường độ, hay sự mới mẻ
Hãy làm rõ thứ bạn cần.
Những người muốn “sự mới mẻ” đi tìm những nhà hàng mới, chuyến đi mới, quần áo mới, những cuộc hẹn mới.
Những người muốn “cường độ” lại chẳng thèm quan tâm tới những điều đó (thực tế là họ nhận thấy chúng khá nhàm chán). Họ không ngần ngại nếu đó vẫn là cùng một thứ cũ kĩ, miễn là họ cảm nhận được điều gì đó sâu sắc hơn.
Bài học số 6: Nếu muốn điều “tươi sáng”, hãy đi tìm ở nơi khác
Tôi nghĩ nhiều người cảm nhận được điều này, nhưng vẫn mắc sai lầm trong suy nghĩ về khiếm khuyết của người khác hay cố gắng tìm kiếm sự hoàn hảo ở những người khác (định vị những người khác như là giải pháp cho vấn đề, điều mà luôn tạo ra rất nhiều rắc rối).
Hãy dừng kỳ vọng những người xung quanh sẽ xoa dịu cho nhu cầu tâm lý của bạn. Hãy theo đuổi những thứ khác trong đời, hãy nuôi dưỡng cho ngọn lửa của riêng bạn và thắp sáng cho trái tim của bạn.
Source:
- What To Do When Excitement Fades
- Ảnh đầu bài: Alex Knight.