Yêu Là Cảm Giác Hay Một Sự Lựa Chọn?

Anh ấy khom lưng ngồi trong văn phòng của tôi, hai tay yên vị trên đầu gối.

“Nhưng tôi yêu cô ấy.”

Là một nhà trị liệu, tôi biết đằng sau câu nói ấy là một lỗi lầm đang chờ được kể.

“Anh có giỏi trong việc đó không?”, tôi hỏi.

Anh ấy không cách nào đáp lời; anh chỉ nhìn tôi chằm chằm rồi lên tiếng, “Ý anh là gì?”

 

Suốt hơn chín năm hành nghề, tôi đã nghe được lời hồi đáp này vô số lần. Nhưng chính nó lại là một phần của thắc mắc lâu đời hơn rất nhiều:

 

Tình yêu là gì?

 

Hai câu trả lời thường gặp nhất là: yêu là một cảm giác, hoặc yêu là một sự lựa chọn. Cả hai lời giải này đều khiến lòng tôi trăn trở. Không phải vì chúng là sai, mà chỉ thế thôi thì chưa đủ.

 

Quan điểm 1: Yêu là một cảm giác

Rất nhiều người chấp nhận rằng tình yêu chỉ đơn thuần là một cảm giác, không hơn. Họ cảm nhận được sự hiện diện của tình yêu trong trái tim mình, và khi ấy họ biết họ đang yêu. Tình yêu đối với những con người này chẳng hề phức tạp; tình yêu rất giản đơn. Tình yêu chẳng khác những bộ phim của Disney: Chỉ cần làm theo những gì con tim mách bảo.

 

Vấn đề của cảm giác

Việc nhìn nhận tình yêu như một cảm giác có thể gây bất lợi cho những mối quan hệ dựa hoàn toàn vào xúc cảm. Hiệu ứng tuần trăng mật là một biểu hiện của kiểu nhận thức này, và nó có thật. Khi hiệu ứng này bắt đầu nhạt màu, nhiều người đã bị bỏ lại với một tâm trí quay cuồng và liên tục đặt câu hỏi về các mối quan hệ của mình.

 

T/N: Hiệu ứng tuần trăng mật (The Honeymoon Effect) là một trạng thái cực kỳ hạnh phúc, ngập tràn đam mê và năng lượng khi đang sở hữu một tình yêu to lớn. Cuộc sống của bạn đẹp đẽ đến nỗi bạn không thể chờ đến sáng để thức dậy và tận hưởng thiên đường trong đời thực. Bạn thấy biết ơn cái vũ trụ đã sinh ra và nuôi lớn bạn. Nhưng thật không may, hiệu ứng tuần trăng mật thường chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian rất ngắn.

 

Việc bạn dùng cảm giác làm giá đỡ cho tình yêu cũng giống như thể bạn lấy niềm đam mê viết lách của bản thân ra làm động lực thôi thúc mình phải viết mỗi ngày. Cứ thử hỏi một nhà văn uy tín bất kì mà xem, bạn chắc chắn sẽ được bảo rằng cách làm ấy là không đúng đắn; và hỏi cả những cặp vợ chồng đã sống bên nhau được hơn 50 năm nữa, rồi họ sẽ cho bạn một câu trả lời tương tự.

Cách nhìn nhận tình yêu như một cảm giác còn khiến mọi người bị mắc kẹt trong những mối quan hệ độc hại. Họ tin vào cảm giác của mình mà chẳng hề đoái hoài tới hoàn cảnh và cứ mãi duy trì những mối quan hệ độc hại chỉ bởi tình yêu từ phía họ vẫn còn nồng nàn.

 

May mắn thay, không phải ai cũng xem tình yêu như chỉ một cảm giác. Trong thực tế, trong vài năm vừa qua, có một cách nhìn nhận khác đã được hồi sinh.

 

Quan điểm 2: Yêu là một sự lựa chọn

Các bài báo ca ngợi quan điểm cho rằng tình yêu là một sự lựa chọn đang tràn ngập trên internet. Tình yêu là một quyết định, mỗi ngày bạn lại chọn phô bày tình cảm của mình trước mắt đối phương. Yêu không phải chuyện của cảm giác. Yêu là biết mình yêu đối phương bất kể cảm xúc của bản thân có là gì và cho họ biết rằng bạn yêu họ.

 

Cách nhìn nhận này có vẻ tốt, ngoại trừ một vài mô tả đang thể hiện đây là một tư tưởng hi sinh quên mình. Đối với nhiều người khác, cách yêu này hệt như cách Nike bán giày vậy. Just do it.

 

Vấn đề của lựa chọn

Cách nhìn nhận tình yêu như một sự lựa chọn có thể là tai hại nếu mọi người cứ áp đặt tiêu chuẩn của bản thân làm thước đo hành động của đối phương. “Họ không chọn làm điều này, cho nên họ không còn yêu hay quan tâm đến tôi nữa.”

Khi mọi người cho rằng tình yêu là một sự lựa chọn, họ sẽ hoài nghi về cảm xúc của đối phương nếu người ấy không đáp lại họ theo cái cách mà họ mong chờ.

 

Nếu một người yêu thích hội họa, ca hát hay viết lách, nhưng lại không quá tài giỏi trong những lĩnh vực ấy, thì họ cũng chẳng bao giờ tự hỏi xem bản thân có thích nó hay không. Họ thừa nhận bản thân thích làm những công việc đó và tự nhủ rằng mình không nhất thiết phải trở nên xuất chúng trong những lĩnh vực ấy.

 

Nhưng yêu đương thì khác. Nếu có ai đó không đáp ứng được các nhu cầu tình cảm của họ, họ lại ngoan cố cho rằng người kia không quan tâm đến họ, trong khi điều đó rõ ràng không đúng đắn. Mọi người không bảo người khác rằng “Hãy chọn làm một họa sĩ, nhà văn, hoặc một ca sĩ giỏi hơn đi”, nhưng khi tình yêu trở thành một thứ có thể chọn lựa, họ lại hình thành tư duy cho rằng đối phương nên “chọn” làm một người giỏi chuyện yêu đương, và họ lại tự làm mình thất vọng với chính tư duy của mình.

 

Tư duy lựa chọn là một hình thức đơn giản hóa tồi tệ của nhu cầu và hành vi tình cảm. Nó bảo mọi người rằng tình yêu chỉ là một sự lựa chọn, một vòng tuần hoàn của “chỉ cần chọn hạnh phúc là được” và “ngừng lo lắng đi”. Từ quan điểm của một nhà trị liệu, tôi cho những câu này nghe chói tai chẳng kém tiếng móng tay cào lên mặt bảng.

 

Yêu là một kĩ năng

Khi khách hàng của tôi hỏi, “Ý anh là gì?”, tôi cúi người về phía anh và nói, “Yêu là một kĩ năng.”

 

Cũng giống tất cả các kĩ năng khác, mọi người có thể giỏi chuyện yêu đương, và thật không may là, cũng có người kém về khoản đó.

Kiên nhẫn, ân cần, thấu hiểu, ủng hộ, đồng cảm, đáng tin, an toàn và một loạt các phẩm chất liên quan đến tình yêu không phải thứ mà mọi người có thể chọn lựa. Chúng cũng giống như mọi kĩ năng khác, đều cần thời gian và nỗ lực mới có thể trau dồi.

Khi bạn nhìn nhận tình yêu như một kĩ năng, nó sẽ xem xét đến cả những biến chứng của tình yêu và con người. Nó đòi hỏi mỗi người phải tự mình đánh giá tình yêu và các mối quan hệ của bản thân, qua đó tìm kiếm những điều mình cần cải thiện và tập trung yêu “giỏi” hơn.

 

Cách nhìn nhận này cũng thừa nhận rằng mỗi người đều đang ở những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, có những trải nghiệm và thế giới quan khác nhau — cách được nuôi nấng, nhân phẩm, phong cách gắn bó và hoàn cảnh cá nhân — những yếu tố này được mọi người mang theo mỗi khi tiến vào một mối quan hệ, và vì thế nó có tác động đến cách họ yêu.

Có những mối quan hệ đổ vỡ không phải do thiếu bóng dáng tình yêu. Không phải vì họ yêu không đủ nhiều, mà bởi họ không giỏi việc đó.

 

Thứ phức tạp không phải tình yêu, mà là lòng người.

Bức tranh lớn hơn

 

Tình yêu dĩ nhiên là cảm giác của một người hướng về một ai đó khác. Cảm giác này có thể chuyển dời và phát triển. Nhưng nó cũng là một lựa chọn — chọn cho mối quan hệ của mình vị trí ưu tiên.

 

Cảm giác, lựa chọn và kĩ năng có liên quan mật thiết với nhau. Cảm giác thôi thúc lựa chọn bỏ ra thời giờ để cải thiện kĩ năng. Đổi lại, những nỗ lực củng cố mối quan hệ sẽ mang lại cho bạn cảm xúc trong tình yêu, qua đó tiếp nối chu kì.

 

Cách chúng ta nói về mọi thứ đóng một vai trò hết sức quan trọng. Khi nói về tình yêu, hãy nhớ rằng đó không chỉ là cảm giác hay một sự lựa chọn, nó còn là một kĩ năng mà mọi người vẫn đang trau dồi.

 

Hãy kiên nhẫn với người yêu của bạn.

 

Tình yêu, khi được xem như một kĩ năng, sẽ nhận ra đối phương không thể cải thiện tất cả mọi thứ cùng một lúc. Kĩ năng đòi hỏi nỗ lực. Sẽ chẳng ai trông mong người yêu mình học cả tiếng Nhật và tiếng Tây Ban Nha cùng một lúc chừng nào thích nói chuyện bằng cả hai thứ tiếng ấy. Vài người mong đợi đối tác lãng mạn của mình phải cải thiện mọi thứ cùng lúc: có thay đổi quyết liệt về cách bày tỏ cảm xúc, chú ý hơn đến cảm giác và các tín hiệu bất thành văn của họ, đồng thời phải trở nên thấu cảm, phải thay đổi cách giao thiệp cũng như cách kiểm soát sự tức giận, nỗi lo âu và điều phiền muộn. Đó không phải cách tình yêu vận hành. Một số người chỉ có thể tập trung cải thiện một số điểm và lưu tâm đến một số điều trong một khoảng thời gian nhất định mà thôi, và điều đó hoàn toàn ổn.

 

Hãy lựa chọn thay đổi quan điểm của mình để tiếp cận một bức tranh rộng lớn hơn về tình yêu. Đừng chỉ giới hạn tình yêu trong một cảm giác hay một sự lựa chọn. Hãy hiểu cách mà cảm giác, lựa chọn và kĩ năng hòa hợp với nhau để hình thành nên một mối quan hệ. Hãy tự mình đặt ra thử thách xác định các yếu tố mình cần cải thiện trong tình yêu. Giành thời gian cải thiện các yếu tố trong tình yêu cũng giống như việc một họa sĩ tập trung vào đánh bóng hay một nhà văn tập trung vào cấu trúc câu vậy — nó sẽ củng cố mối quan hệ của bạn. Nếu bạn làm được điều đó, thì khi nhà trị liệu hỏi bạn:

 

“Anh có giỏi trong việc đó không?”

Bạn sẽ không nhìn chằm chằm vào họ. Bạn đã biết câu trả lời rồi.

 

Nguồn: Love: A Feeling or a Choice?

Dịch giả: ‎Mai Thu Hà‎ (Đăng tải tại group QRVN)